Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1 được xây dựng tại địa phận hai xã Hải An và Hải Ba (huyện Hải Lăng), nằm trong Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Dự án do liên danh các nhà đầu tư bao gồm Tập đoàn T&T (Việt Nam), Tổng công ty Năng lượng Hanwha - HEC, Tổng công ty Khí Hàn Quốc - KOGAS, Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc - KOSPO (cùng đến từ Hàn Quốc) thực hiện.

Tại buổi làm việc, liên danh nhà đầu tư đã kiến nghị các nội dung đối với việc trình thẩm định các hồ sơ liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư và quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 mới đủ cơ sở thẩm duyệt gồm thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi; văn bản phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; văn bản thoả thuận đấu nối lưới điện, văn bản thoả thuận bến LNG, tuyến luồng.

Kết luận cuộc họp, Phó chủ tịch Hà Sỹ Đồng đề nghị liên danh nhà đầu tư đặt văn phòng đại diện tại Quảng Trị, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.

Phối cảnh dự án điện khí LNG Hải Lăng, Quảng Trị.
Phối cảnh dự án điện khí LNG Hải Lăng, Quảng Trị. (Ảnh: CĐT)

Liên danh nhà đầu tư cũng cần phối hợp với Sở Công Thương nghiên cứu, tham vấn các bộ, ngành trung ương trong việc tách phần nhà máy riêng, đường dây 500 kV đấu nối riêng trong báo cáo nghiên cứu khả thi để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phần nhà máy trước, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Bên cạnh đó, Phó chủ tịch Hà Sỹ Đồng yêu cầu liên danh nhà đầu tư khẩn trương xúc tiến với các đối tác để thương thảo, ký kết hợp đồng mua bán khí LNG đảm bảo cho việc đề xuất giá mua bán điện cạnh tranh, nhằm sớm hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án.

Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh được giao phối hợp với Sở Xây dựng làm việc với Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ để sớm hoàn thành công tác thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam.

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh giao các sở ngành, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục phối hợp, thực hiện và đôn đốc, hướng dẫn liên danh nhà đầu tư thực hiện các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao trong quá trình triển khai dự án.

Dự án LNG Hải Lăng (giai đoạn 1) được cấp quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 10/2021, khởi công tháng 1/2022, quy mô diện tích đất sử dụng khoảng 120ha.

Được biết, dự án này có công suất 1.500 MW với tổng vốn gần 54.000 tỷ đồng (tương đương 2,32 tỷ USD) do tổ hợp nhà đầu tư gồm Tập đoàn T&T Group và 3 nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc là HANWHA - KOSPO - KOGAS làm chủ đầu tư.

Trong đó, vốn góp của tổ hợp nhà đầu tư để thực hiện dự án là 13.416 tỷ đồng. Tập đoàn T&T Group của ông Đỗ Quang Hiển (còn được biết đến với tên gọi là bầu Hiển) góp 40%, mỗi nhà đầu tư HANWHA, KOSPO, KOGAS góp 20%.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh về dự kiến kế hoạch tiến độ cụ thể cho từng công việc của dự án, ngày 30/8/2024, liên danh nhà đầu tư có văn bản báo cáo Bộ Công Thương, văn phòng Ban chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng và UBND tỉnh Quảng Trị về kế hoạch tiến độ thực hiện dự án.

Liên danh nhà đầu tư dự kiến đến đầu tháng 10/2025 hoàn thành việc thành lập doanh nghiệp dự án; tháng 11/2024 hoàn thành việc phê duyệt hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi (FS); đến ngày 31/12/2025 hoàn thành các thỏa thuận chuyên ngành và thủ tục pháp lý liên quan và công tác giải phóng mặt bằng, thuê đất và hoàn thành việc tổ chức đấu thầu các gói thầu EPC, bảo hiểm, quản lý xây dựng, vận hành và bảo trì.

Đến ngày 1/1/2026 hoàn thành việc thu xếp tài chính và tổ chức thi công xây dựng các hạng mục công trình dự án; đến ngày 31/12/2026 hoàn thành việc đấu thầu mua LNG; đến ngày 2/4/2029 xây dựng hoàn thành, vận hành chạy thử và chính thức đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh vào ngày 31/12/2029.

Về điều chỉnh chủ trương đầu tư, ngày 17/10/2024, liên danh nhà đầu tư đã nộp hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định.

An Nguyên (t/h)