(THCL) - Hiện nay, quy trình kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm rau, củ, quả nhập khẩu đang được thực hiện theo Thông tư 13/2010/TT-BNN&PTNT. Tuy nhiên, thực tế, còn nhiều bất cập và tạo “kẽ hở” trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá đồ sộ này…
Hàng trăm tấn hoa quả Trung Quốc chứa chất độc hại vẫn vô tư tuồn vào Việt Nam
Trên 30% hoa quả Trung Quốc có chất độc hại
Mới đây, cơ quan chức năng công bố, có tới 280 tấn rau, củ, quả nhập khẩu từ Trung Quốc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, đã được đưa vào tiêu thụ trên thị trường Việt Nam. Trong đó, có tới 30% mẫu táo Trung Quốc bày bán trên thị trường có chất độc hại. Các hóa chất bị phát hiện vượt ngưỡng gồm: Carbendazim, Difenoconazol, Thiophanate, Propargite, Methomyl... dùng để diệt nấm, nhện và một số loại côn trùng khác. Người sử dụng thường xuyên các chất này sẽ nguy hại cho sức khỏe, thậm chí gây vô sinh và ung thư.
Được biết, hàng ngày vẫn có hàng chục chuyến hoa quả nhập khẩu từ biên giới phía Bắc, tuy nhiên tại các chợ, cửa hàng, siêu thị tuyệt nhiên không thấy ghi xuất xứ từ Trung Quốc, mà chỉ có hàng nhập khẩu từ Mỹ, New Zealand, Australia... Trong khi đó, tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật Vùng 7 cho biết: Hiện nay, việc lấy mẫu hoa quả, kiểm tra kỹ lưỡng còn gặp nhiều khó khăn như thiếu trang thiết bị, chi phí vận chuyển tốn kém, vì thế việc lấy mẫu chỉ để bảo quản, hoặc đợi thêm nhiều mẫu khác mới được chuyển về Trung tâm Kiểm định và khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc tại Hà Nội để kiểm tra. Nếu làm đúng theo quy trình cũng phải mất khoảng 10 ngày mới có kết quả. Trong khi hầu hết số hoa quả nhập khẩu sẽ được “giải phóng” trong ngày và được chuyển về các chợ đầu mối tại Hà Nội để bán cho các tiểu thương ngay trong đêm.
Như vậy, dù có chuyển về Hà Nội kiểm tra cũng chẳng để làm gì vì số hàng đã kịp phân phối hết, có chăng chỉ phục vụ công tác thống kê của cơ quan quản lý? Câu hỏi đặt ra: Tại sao chưa có kết quả kiểm tra ATTP hoa quả, vẫn được thông quan và ai là người phải chịu trách nhiệm?
Hệ thống văn bản đồ sộ
Hiện quy trình kiểm tra ATTP rau củ quả nhập khẩu đang được thực hiện theo quy định tại Thông tư 13/2010/TT-BNN&PTNT.
Theo đó, để được phép xuất khẩu rau củ quả vào Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu phải gửi hết hồ sơ theo yêu cầu của Việt Nam, báo cáo về quy trình sản xuất, các thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trong quá trình sản xuất, sơ chế, năng lực và cách thức kiểm soát ATTP…
Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ thẩm định, nếu đạt yêu cầu mới đưa nước đó vào danh sách các quốc gia được phép xuất khẩu thực phẩm nguồn gốc thực vật vào Việt Nam.
Khi lô hàng đến cửa khẩu, sẽ phải đăng ký thủ tục kiểm tra ATTP. Lô hàng đó sẽ được kiểm tra hồ sơ về nguồn gốc xuất xứ, kiểm tra ngoại quan, lấy mẫu để kiểm nghiệm ATTP của Việt Nam và được áp dụng phương thức kiểm tra thông thường. Sau đó, lô hàng này sẽ được cấp giấy chứng nhận kiểm tra ATTP và được thông quan ngay.
Nếu kết quả kiểm nghiệm phát hiện thấy vi phạm quy định về ATTP thì lô hàng tiếp theo của DN đó sẽ bị áp dụng phương thức kiểm tra chặt, bị giữ lại chờ kết quả kiểm nghiệm. Nếu đạt yêu cầu thì mới cấp giấy chứng nhận kiểm tra ATTP và cho thông quan. Nếu DN vi phạm nhiều lần thì sẽ tạm ngưng nhập khẩu loại hàng hóa đã vi phạm đó.
Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, một số quy định tại Thông tư 13 còn nhiều điểm bất cập, nhất là việc cho phép lô hàng sẽ được cấp giấy chứng nhận kiểm tra ATTP và thông quan ngay dù chưa có kết quả kiểm định chất lượng. Với những “kẽ hở chết người” này, rõ ràng tạo điều kiện cho hàng độc hại từ các nước, đặc biệt từ Trung Quốc tràn vào nước ta.
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), phương thức kiểm tra của Việt Nam hiện nay cũng tương tự như cách thức kiểm tra của các nước đang nhập khẩu nông sản thực phẩm nguồn gốc thực vật về Việt Nam, tức là hoàn toàn không có sai sót về mặt pháp luật nhưng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Vì vậy, Bộ NN&PTNN đã chỉ đạo, xem xét bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện thông tư này.
Ông Nguyễn Xuân Hồng: “Một số quy định cần được sửa đổi theo hướng cụ thể hơn, như quy định về các biện pháp xử lý vi phạm về tái xuất, tiêu hủy, tạm ngừng nhập khẩu và thẩm quyền xử lý; quy định cụ thể trong trường hợp nào phải thực hiện việc thu hồi lô hàng vi phạm; kiểm tra tại gốc vùng sản xuất để xuất khẩu như thế nào và giám sát việc truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân và khắc phục lỗi vi phạm ở nước xuất khẩu ra sao…”. |
Hoan Nguyễn