Hàng giả, hàng nhái không chỉ được sản xuất ở trong nước, mà còn được sản xuất ở nước ngoài và đưa về Việt Nam bằng nhiều cách. Trong đó, chủ yếu nhập lậu qua biên giới, nhiều nhất ở phía Bắc, đường hàng không, đường biển...

Có thể thấy hàng giả xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực trong đời sống kinh tế xã hội. Từ hàng tiêu dùng đến vật tư, máy móc thiết bị, tiền, văn bằng, chứng chỉ; đặc biệt hàng giả có liên quan đến sức khỏe, tính mạng NTD như thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng…

Hàng giả từ vật tư cho đến thuốc chữa bệnh... - Hình 1

Ảnh minh hoạ

Theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT, Bộ Công Thương), trong năm 2017 và 9 tháng năm 2018, lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện 34.733 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 121,3 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm hơn 907 tỷ đồng. Trong đó hàng hóa giả về chất lượng, công dụng 458 vụ; hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bao bì 6.154 vụ; 690 vụ vi phạm tem, nhãn, bao bì hàng hoá giả; 1.064 vụ vi phạm về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 26.367 vụ vi phạm về nhãn hàng hoá.

Thời gian gần đây, nhiều vụ việc có quy mô lớn trị giá hàng chục tỷ đồng đã bị điều tra, phát hiện và xử lý như vụ sản xuất phân bón của Công ty Thuận Phong, sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng của Công ty TS; sản xuất thuốc chữa ung thư từ than tre của Vinaca hay sản phẩm lụa tơ tằm của Tập đoàn Khải Silk... đã khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang.

Hiện nay, nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn biến rất phức tạp và có sự gia tăng về quy mô, số lượng. Hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ diễn ra ở nhiều mặt hàng, lĩnh vực từ nguyên liệu phục vụ sản xuất, giao công, hàng hóa, thiết yếu phục vụ tiêu dùng đến các sản phẩm hàng hóa có giá trị cao.

Trước hiện trạng này, các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt, lực lượng quản lý thị trường cần phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái...

Hà Trần