Một góc TP. Tuy Hoà
Một góc TP. Tuy Hoà

Theo đó, phạm vi lập quy hoạch là khu vực thuộc ranh giới hành chính TP. Tuy Hòa (gồm 12 phường nội thành và 4 xã ngoại thành). Quy mô diện tích nghiên cứu khoảng 17.436ha; trong đó quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng 11.126ha và khu vực phụ cận khoảng 6.310ha.

Giới cận phạm vi nghiên cứu gồm phía Bắc giáp xã An Hòa Hải, xã An Thọ (huyện Tuy An); phía Nam giáp xã Hòa Tân Đông, phường Hòa Hiệp Bắc, phường Hòa Vinh (TX Đông Hòa); phía Tây giáp xã Hòa Trị, xã Hòa An, xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa); phía Đông giáp biển Đông.

Về các dự báo phát triển đô thị, đến năm 2030, dân số TP. Tuy Hòa và khu vực phụ cận khoảng 360.000-400.000 người (trong đó dân số chính thức khoảng 260.000-280.000 người, dân số quy đổi khoảng 80.000-140.000 người); dân số thành phố khoảng 260.000-280.000 người. Đến năm 2040, dân số thành phố và khu vực phụ cận khoảng 500.000 người (trong đó, dân số chính thức khoảng 295.000 người, dân số quy đổi khoảng 205.000 người); dân số thành phố khoảng 360.000 người.

Quy mô đất đai, đến năm 2030, đất xây dựng đô thị khu vực TP. Tuy Hòa khoảng 5.230ha; trong đó đất dân dụng bình quân toàn đô thị khoảng 2.591ha (chỉ tiêu khoảng 99,7m2/người), đất ngoài dân dụng khoảng 2.639ha. Đến năm 2040, đất xây dựng đô thị khoảng 6.767ha; trong đó đất dân dụng bình quân toàn đô thị khoảng 3.570ha (chỉ tiêu khoảng 99,2m2/người), đất ngoài dân dụng khoảng 3.197ha.

Đối với khu vực phụ cận, đến năm 2030, đất xây dựng khoảng 2.984ha; đến năm 2040, đất xây dựng khoảng 4.437ha. Khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn sử dụng đất đai tương đương với khu vực TP Tuy Hòa cho khu vực phụ cận.

Theo đồ án, TP. Tuy Hòa và vùng phụ cận được định hướng mở rộng không gian phát triển về phía Bắc, phía Tây và phía Nam để tiếp cận với các trục giao thông đối ngoại đô thị và cửa ngõ vào thành phố từ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Cùng với đó, thành phố cũng sẽ hình thành các trục không gian rõ nét theo hướng đường Đông - Tây gắn với các không gian chức năng, cải tạo và bảo vệ hành lang tiếp cận bờ biển; quản lý, tổ chức xây dựng công trình cao tầng hợp lý, hạn chế các tác động che chắn tầm nhìn từ trung tâm đô thị ra biển, hành chính, văn hóa, giáo dục, dịch vụ hỗn hợp và công nghiệp.

Khu vực ven biển được kiểm soát các không gian chức năng, cải tạo và bảo vệ hành lang tiếp cận bờ biển, tăng cường chức năng công cộng và hạn chế các khu vực sở hữu đóng làm che chắn bờ biển. Quản lý, tổ chức xây dựng công trình cao tầng hợp lý, hạn chế các tác động che chắn tầm nhìn từ trung tâm đô thị ra biển.

Quy hoạch ưu tiên phát triển giao thông xanh, kết nối với các dự án để khai thác sử dụng tiện ích chung, hình thành trục thương mại, dịch vụ, du lịch ven biển. Cải tạo, nâng cấp tuyến đường Độc Lập và công viên ven biển, xây dựng cảng du lịch tại vị trí cảng cá Phường 6 hiện trạng, hình thành Trung tâm Dịch vụ - văn hóa biển tổng hợp tại khu vực quảng trường 1 Tháng 4.

Thành phố cũng hình thành các trung tâm mang tính chuyên ngành, bao gồm trung tâm hành chính - chính trị; trung tâm du lịch biển dọc theo đường Lê Duẩn, đường Độc Lập và khu vực xã An Chấn, xã An Mỹ; trung tâm du lịch văn hóa giải trí tại khu vực núi Chóp Chài, núi Nhạn; trung tâm du lịch sông tại Ngọc Lãng, phường Phú Lâm, xã Hòa Thành.

Tổ chức KCN dịch vụ (gần sân bay Tuy Hòa) tại xã Hòa Thành, phường Phú Lâm, giáp với quốc lộ 1. KCN này thuận lợi trong việc tiếp cận các đầu mối giao thông, cách xa trung tâm đô thị hiện hữu, có khả năng phát triển ổn định lâu dài, góp phần thu hút các chuyên gia, lao động nhập cư cho đô thị.

Thuỳ An