Chiều ngày 6/11, một lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã nắm thông tin vụ việc 1 phóng viên tố bị hành hung, thu giữ máy ảnh khi đang tác nghiệp. Hiện Công an phường Tân Thành đang tiếp tục làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định.
Theo đơn trình báo của anh Lê Văn T. (Phóng viên Báo Công an Nhân dân) sáng 6/11, anh đến tác nghiệp báo chí tại khu vực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cũ (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột).
Khu vực này trước đây là Bệnh viên Đa khoa tỉnh Đăk Lăk nhưng sau khi bệnh viện này chuyển thành Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, dời về trụ sở mới thì bỏ hoang nhiều năm qua.
Khi đến cổng chính, thấy cổng mở, anh T. chạy xe ô tô vào sân rồi đi chụp ảnh, tác nghiệp. Tác nghiệp xong, anh T. lên xe ra về thì có một người đàn ông đến hỏi nên anh T. nói mình là nhà báo, đi tác nghiệp. Còn người đàn ông xưng là bảo vệ được thuê trông coi ở đây.
Cũng theo trình bày của anh T., ngay sau đó, người đàn ông này chửi bới rồi chạy lại hành hung, bóp cổ và cánh tay anh gây trầy xước. Đồng thời, người đàn ông lấy gậy đe dọa đánh anh T., giật máy ảnh đưa vào trong phòng bảo vệ.
Bị giữ máy ảnh, anh T. gọi điện báo lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk. Sau đó, cảnh sát 113 và Công an phường Tân Thành tới hiện trường mời cả 2 về trụ sở công an làm việc.
Tại cơ quan Công an, người hành hung, thu máy ảnh của phóng viên là ông Khúc Tài Hội. Ông này là bảo vệ tại Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ - vệ sĩ chuyên nghiệp Đại Hải (TP. Buôn Ma Thuột).
Thuê trông coi công trình bệnh viện để chờ đấu giá.
Tại cơ quan công an, người hành hung, thu máy ảnh của phóng viên T. được xác định là ông Khúc Tài Hội (trú huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk). Ông Hội là bảo vệ tại Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ - vệ sĩ chuyên nghiệp Đại Hải (TP. Buôn Ma Thuột).
Doanh nghiệp này được Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk thuê trông coi công trình bệnh viện để chờ đấu giá. Tuy nhiên, do bệnh viện đã chuyển đi, công trình bị bỏ hoang nhiều năm nay và là nơi để các “xe dù” lập “bến cóc” thường xuyên đến đây đón trả khách.
Trao đổi về việc này, ông Lê Danh Thắng - Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk cho biết, công trình này đang chờ đấu giá tài sản nên Sở thuê đơn vị bảo vệ có pháp nhân trông coi. Về sự việc bảo vệ đang trông coi tài sản tại đây đánh phóng viên, đơn vị sẽ kiểm tra ngay để có hướng xử lý.
Điều 7, Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản quy định rõ mức phạt đối với các hành vi cản trở hoạt động của báo chí trái pháp luật. Cụ thể, hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; hành vi thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp hay hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng; hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.
Ngoài ra, còn có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả khi xử lý vi phạm như buộc xin lỗi; buộc trả lại phương tiện, tài liệu thu giữ trái phép…
Tuấn Sơn