TS. BS Nguyễn Thái Bình - Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Can thiệp điện quang, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ:
Việc nuốt phải dị vật thường gặp ở những người người già, trẻ em hoặc người bị lẫn, do ăn uống không chú ý hoặc không chú ý được, đặc biệt ở người có thói quen ngậm tăm, nhất là ngậm tăm khi đi ngủ.
Dị vật lớn có thể gây tắc đường ruột. Dị vật nhỏ, sắc nhọn (tăm, xương cá…) vào trong cơ thể có thể đi qua đường ruột, nằm ở vị trí nào đó trong bụng, gây viêm hay hình thành ổ áp xe; thậm chí có trường hợp dị vật (tăm) xuyên qua dạ dày đâm vào gan gây viêm khiến bệnh nhân có biểu hiện đau, sốt, nhiễm trùng. Đôi khi, nếu vết rách quá lớn có thể gây tình trạng viêm lan tỏa trong bụng hay còn gọi là viêm phúc mạc, muộn thì có thể hình thành ổ áp xe chứa mủ. Chính vì vậy, bác sĩ phải can thiệp phải lấy dị vật đó ra cho bệnh nhân, tránh đau tái lại nhiều lần, nhiễm trùng ngày càng nặng hơn.
Hai vị trí hay bị thủng nhất do dị vật là dạ dày - tá tràng và đại tràng vì dạ dày co bóp rất mạnh, còn thành của đại tràng rất mỏng.
Các dị vật dễ được phát hiện khi chụp cắt lớp vi tính, để điều trị, bác sĩ dùng biện pháp phẫu thuật mở hoặc nội soi để lấy dị vật ra.
Ngoài ra, có phương pháp khác ít xâm lấn hơn là dùng phương pháp gắp dị vật (ứng dụng nguyên lý của tán sỏi thận qua da), tạo ra đường thông bằng plastic với đường kính khoảng 5mm, qua thành bụng vào trong ổ chứa dị vật, có thể nội soi tìm dị vật để gắp ra. Ở đây, chúng tôi đã làm cho 01 trường hợp dị vật trong gan, 03 trường hợp sau phúc mạc, vùng lưng, 02 trường hợp nằm giữa ổ bụng. Việc tạo một đường thông như vậy rất nhẹ nhàng, không phải gây mê, không phải đặt ống nội khí quản, bệnh nhân sẽ đỡ đau hơn và hồi phục nhanh hơn, thời gian nằm viện sẽ ngắn hơn.
02 ca gần đây nhất, chúng tôi có thay đổi một chút, với dị vật rất dễ thấy khi siêu âm. Cụ thể là với ca nuốt tăm dài khoảng 5cm và trên siêu âm hiện hình rất rõ, không phải nội soi, chỉ đưa panh nhỏ qua da, bằng hình ảnh của siêu âm có thể thấy đầu tăm đi đến đâu để gắp ra.
Trong 02 năm gần đây, khoa đã thực hiện 07 ca can thiệp xử lý thành công cho bệnh nhân. Trường hợp không làm được siêu âm đơn thuần, bác sĩ làm nội soi để tìm dị vật gắp ra. Trường hợp các phương pháp ít xâm lấn đó không thực hiện được thì mới tính đến phương pháp mức độ tăng dần, để đảm bảo vừa an toàn hiệu quả mà vẫn nhẹ nhàng nhất cho bệnh nhân.
PGS. TS Hoàng Việt Hải, Phó Khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nêu ý kiến:
Dùng tăm xỉa răng là thói quen phổ biến, khó thay đổi, gần như là “truyền thống” của nhiều người Việt Nam, do sự thuận tiện, dễ sử dụng, dễ mang theo…
Tuy nhiên, thói quen này dẫn đến nhiều tác hại, bởi đây là một tác động cơ học khó kiểm soát trong răng miệng, sẽ gây ra những sang chấn như chảy máu, làm tổn thương nha chu, men răng, viêm lợi; làm thưa kẽ răng, gây mất thẩm mỹ, giắt thức ăn trong kẽ răng...
Điều đáng nói, nếu tăm đó không được vô khuẩn, không đảm bảo vệ sinh thì không chỉ gây nhiễm trùng ở răng miệng mà còn có thể gây ra những nhiễm trùng khác rất nguy hiểm.
Đặc biệt, việc sử dụng tăm, thói quen ngậm tăm còn dẫn đến tai nạn đáng tiếc như: Nuốt phải tăm khi vận động, lái xe, cười đùa, ho, thậm chí là khi ngủ… dẫn tới có trường hợp phải vào bệnh viện cấp cứu.
Rõ ràng, những việc tưởng chừng rất đơn giản, những thói quen hàng ngày tưởng chừng như vô hại, tuy nhiên lại tiềm ẩn những rủi ro rất lớn, rất cần sự cảnh giác cao cũng như sự chung tay phòng tránh từ cộng đồng.
Lời khuyên của bác sĩ: Nếu có thể thì chuyển sang sử dụng các loại tăm y tế, chỉ nha khoa… Trường hợp bất khả kháng phải sử dụng tăm thì lưu ý sử dụng tăm sạch, vô trùng, dùng 1 lần, nhẹ nhàng; khi sử dụng xong thì vứt đi; không sử dụng tăm khi đang cười đùa, ho, nói chuyện hay đang vận động, điều khiển phương tiện giao thông, bỏ thói quen ngậm tăm…
Trong trường hợp đã nuốt phải dị vật, nuốt phải tăm, cần theo dõi thật sát, thấy đau bụng thì phải đi kiểm tra ngay, nếu lấy ra được qua con đường nội soi dạ dày thì bác sĩ sẽ lấy ra luôn, nếu có biến chứng phải xử lý ngay, tránh trường hợp để đến viêm phúc mạc gây nguy hiểm đến tính mạng.
Minh Anh