Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (Ảnh: internet)

Thị trường tuần này chứng kiến các nhịp tăng giảm đan xen với biên độ khá lớn.

Sau tuần giảm hơn 100 điểm trước đó và vào vùng quá bán, VN-Index đã bật tăng mạnh hơn 15 điểm trong phiên giao dịch đầu tuần này, đem lại hy vọng về việc thị trường đã tạo đáy để đi lên. Tuy nhiên, nhà đầu tư nhanh chóng bị dội gáo nước lạnh trong phiên hôm sau (thứ Ba ngày 23/4) khi thị trường quay đầu giảm trở lại, mất gần 13 điểm khiến nhiều nhà đầu tư tham gia bắt đáy phiên đầu tuần lo lắng.

Đa số các công ty chứng khoán đều có cái nhìn thận trọng về thị trường trong giai đoạn hiện nay, đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư không vội bắt đáy, cũng như không nên bán tháo trong các nhịp điều chỉnh.

Sự thận trọng này thực tế đã được nhà đầu tư đặt lên hàng đầu khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần này. Ngay trong phiên hồi phục mạnh đầu tuần, lực cầu bắt đáy cũng không quá mạnh, chủ yếu do cung giá thấp gần như cạn kiệt sau 1 tuần tranh nhau bán trước đó. Trong phiên giảm hôm qua, dù thanh khoản có cải thiện, nhưng nhìn chung vẫn ở mức thấp so với mức trung bình của các tuần gần đây.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, sự thận trọng vẫn được đặt lên hàng đầu, nhưng bên bán đã không còn tung lệnh bán giá thấp vào, trong khi bên mua tung tắc gom hàng, khiến thị trường giao dịch chậm, nhưng sắc xanh chiếm ưu thế áp đảo và VN-Index bật hồi mạnh, lấy lại hết những gì đã mất trong phiên trước đó.

Nhóm cổ phiếu hút tiền vẫn là những cái tên quen thuộc trong nhóm bất động sản, chứng khoán, ngân hàng thời gian gần đây như NVL, VIX, MBB, SSI, TCH, DIG…, nhưng khối lượng khớp cũng không quá vượt trội.

Sau ít phút rung lắc nhẹ, thị trường nhanh chóng lấy lại đà tăng mạnh với VN-Index vượt qua đường MA100, thanh khoản cải thiện dần khi lực cầu bắt đáy nhập cuộc tích cực hơn, nhưng không quá mạnh khi sự thận trọng vẫn được nhà đầu tư đặt lên hàng đầu.

Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 19,63 điểm (+1,67%), lên 1.197,03 điểm với 381 mã tăng, trong khi chỉ có 69 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 336,3 triệu đơn vị, giá trị 8.016,5 tỷ đồng, tăng nhẹ 7,6% về khối lượng và 15,4% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 33,7 triệu đơn vị, giá trị 844,6 tỷ đồng.

Các nhóm dẫn dắt, sắc xanh chiếm thế áp đảo. Trong đó, nhóm ngân hàng chỉ có HDB ở tham chiếu, còn lại đều tăng, gồm 4 mã tăng hơn 2% (TPB, CTG, EIB, STB), 8 mã tăng hơn 1%, còn lại tăng nhẹ.

Nhóm công ty chứng khoán cũng chỉ có duy nhất TVS giảm nhẹ, còn lại tăng giá với mức tăng mạnh hơn nhiều nhóm ngân hàng. Trong đó, tăng mạnh nhất là VCI tăng 4,39% lên 47.550 đồng, tiếp đến là VND tăng 4,06% lên 20.500 đồng. Có 7 mã tăng từ 3% đến gần 4%; 3 mã tăng hơn 2% trong đó có SSI tăng 2,61% lên 35.400 đồng. Mã tăng khiêm tốn nhất là TVS cũng tăng 1,94% lên 23.650 đồng.

Nhóm bất động sản, xây dựng với số lượng nhiều nhất trong nhóm dẫn dắt, nhưng số mã giảm cũng chỉ trên đầu ngón tay. Trong số mã tăng, có 3 mã tăng trên 4% là NLG tăng 4,86% lên 37.750 đồng, DIG tăng 4,85% lên 28.100 đồng, HTN tăng 4% lên 13.000 đồng. Dù khiêm tốn hơn, nhưng DXG cũng tăng tới 3,87% lên 16.100 đồng, NVL tăng 3,79% lên 15.050 đồng, PDR tăng 3,75% lên 26.250 đồng…

Trong khi đó, nhóm thép có 3 mã giảm, 2 mã đứng giá, 6 mã tăng. Trong đó, NKG tăng mạnh nhất 3,05% lên 21.950 đồng, HSG tăng 2,89% lên 19.550 đồng, HPG tăng 1,81% lên 28.100 đồng…

Nhóm cổ phiếu hút tiền vẫn là những cái tên quen thuộc trong nhóm bất động sản, chứng khoán, ngân hàng thời gian gần đây như NVL (16,16 triệu đơn vị), DIG (11,98 triệu đơn vị), MBB (10,81 triệu đơn vị), VIX (10,07 triệu đơn vị), SSI (9,39 triệu đơn vị)…

Trên sàn HNX, dù mở cửa với sắc đỏ, nhưng tín hiệu tích cực trên HOSE cũng giúp chỉ số chính của sàn HNX nhanh chóng lấy lại đà tăng và duy trì mức tăng tốt trong suốt thời gian còn lại.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 3,02 điểm (+1,35%), lên 225,65 điểm với 99 mã tăng và 45 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 34,4 triệu đơn vị, giá trị 646,7 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,4 triệu đơn vị, giá trị 44,8 tỷ đồng.

Sáng nay HNX chỉ có 4 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị và tất cả đều đóng cửa tăng khá mạnh. Trong đó, SHS vượt trội với 10,55 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,79% lên 18.400 đồng. Tiếp đến là CEO với 4,47 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,45% lên 18.000 đồng; PVS khớp 2,33 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,62% lên 39.100 đồng; MBS khớp 1,84 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3% lên 27.500 đồng.

UPCoM cũng hòa cùng nhịp tăng của 2 sàn niêm yết, dù mức tăng khiêm tốn hơn nhiều so với 2 sàn niêm yết.

Chốt phiên, UPCoM-Index lên 0,74 điểm (+0,84%), lên 88,25 điểm với 134 mã tăng và 68 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 9,7 triệu đơn vị, giá trị 118,6 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

UPCoM sáng nay cũng chỉ có 2 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là BSR và AAH, nhưng về giá lại trái ngược nhau. Trong đó, BSR đóng cửa tăng 0,55% lên 18.200 đồng, khớp 1,66 triệu đơn vị, còn AAH giảm 5,88% xuống 3.200 đồng, khớp 1,15 triệu đơn vị.

Hà Trần (t/h)