"Chúng tôi đã nỗ lực để đạt được đột phá lớn trong cuộc đàm phán tại Istanbul, bởi vì Ukraine không gắn các đề xuất về thỏa thuận an ninh với các vấn đề như biên giới Ukraine được quốc tế công nhận, gạt vấn đề Crimea, Sevastopol và hai nhà nước tự xưng ở Donbass ra ngoài lề", Interfax dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 26/4.
Tuy nhiên, chủ nhân Điện Kremlin cho biết, sau khi hai bên đạt được thỏa thuận, Nga bất ngờ đối mặt với cáo buộc gây ra thảm kịch hàng trăm dân thường thiệt mạng ở thị trấn Bucha, gần thủ đô Kiev - cáo buộc mà Moscow đã bác bỏ.
"Lập trường của các nhà đàm phán Ukraine đã thay đổi chóng mặt sau đó. Họ rút lại những thỏa thuận ban đầu, gạt vấn đề Crimea, Sevastopol và Donbass khỏi các điều khoản đảm bảo an ninh. Họ đã nhanh chóng phớt lờ nó. Trong dự thảo gửi cho chúng tôi, họ chỉ nói đơn giản rằng, các điều khoản đó sẽ được giải quyết thông qua đàm phán cấp nguyên thủ", ông Putin nói. Tuy nhiên, ông Putin nhấn mạnh, một cuộc gặp cấp nguyên thủ khó diễn ra nếu như hai bên chưa đạt được dự thảo an ninh.
"Chúng tôi không thể ký cam kết an ninh nếu các vấn đề lãnh thổ Crimea, Sevastopol và Donbass chưa được giải quyết", Tổng thống Putin cho biết.
Mặt khác, chủ nhân Điện Kremlin khẳng định đàm phán giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp tục và hiện diễn ra theo hình thức trực tuyến. "Tôi hy vọng rằng nỗ lực này sẽ mang lại kết quả tích cực cho chúng ta", ông Putin nói.
Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine từ ngày 24/2 với tuyên bố nhằm "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" quốc gia láng giềng. Moscow nhấn mạnh, chiến dịch chỉ chấm dứt khi Ukraine đồng ý trung lập, công nhận bán đảo Crimea thuộc chủ quyền của Nga và công nhận độc lập của hai vùng ly khai Donetsk, Lugansk ở Donbass, miền Đông nước này.
Bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga từ năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý gây nhiều tranh cãi, trong khi đó, Donetsk và Lugansk là các vùng ly khai Ukraine thân Nga. Giới chức trách Ukraine nhiều lần khẳng định lập trường sẵn sàng đàm phán về vị thế trung lập, nhưng không bao giờ thỏa hiệp về lãnh thổ. Các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine do vậy đến nay vẫn rơi vào bế tắc.
Chuyến thăm Moscow của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres là một phần trong nỗ lực nhằm tháo ngòi căng thẳng, khơi thông tiến trình đàm phán giữa Moscow và Kiev. Ông dự kiến sẽ tới Kiev và hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào ngày 28/4 tới.
Liên Hợp Quốc tham gia sơ tán dân thường ở Mariupol
Aljazeera đưa tin, tại cuộc họp với Tổng thư ký Guterres ở Moscow, Tổng thống Putin đã đồng ý "về nguyên tắc" Liên Hợp Quốc và Hội chữ Thập đỏ quốc tế tham gia vào hoạt động sơ tán người dân khỏi nhà máy thép Azovstal - thành trì cuối cùng của lực lượng quân sự Ukraine ở thành phố Mariupol.
Về vấn đề này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Tổng thư ký Guterres đã đề xuất lập một "Nhóm liên lạc nhân đạo" của Nga, Ukraine và Liên Hợp Quốc nhằm tìm kiếm cơ hội mở các hành lang sơ tán an toàn, đảm bảo các bên tuân thủ ngừng bắn.
Nga và lực lượng ly khai Donbass đã kiểm soát hầu hết thành phố cảng chiến lược Mariupol, ngoại trừ nhà máy gang thép Azovstal, nơi ước tính còn hàng nghìn dân thường và quân nhân Ukraine vẫn đang cố thủ. Bộ Quốc phòng Nga tuần trước tuyên bố kiểm soát hoàn toàn Mariupol, Tổng thống Putin cũng hạ lệnh ngừng tấn công Azovstal, nhưng tiếp tục bao vây khu vực này.
Trong cuộc hội đàm hôm qua, ông Putin khẳng định hiện tại Nga không có bất cứ hoạt động quân sự trực tiếp nào ở khu vực quanh nhà máy Azovstal. "Hoạt động quân sự ở đây đã kết thúc. Một phần lực lượng của Ukraine triển khai ở các khu công nghiệp đã đầu hàng, ước tính khoảng 1.300 người", Tổng thống Putin nói.
Mặc dù vậy, ông đánh giá tình hình Mariupol vẫn rất "phức tạp" và "đau lòng". Đầu tuần này, Nga đã thông báo mở hành lang nhân đạo ở Mariupol, cho phép dân thường lựa chọn bất cứ hướng sơ tán nào. Ukraine đã lên tiếng bác bỏ, cho rằng một hành lang nhân đạo do một bên đơn phương lập ra không đảm bảo an toàn cho người dân sơ tán. Petro Andryushchenko, cố vấn của thị trưởng Mariupol, cáo buộc phía Nga tiếp tục pháo kích ngay sau khi thông báo mở hành lang sơ tán. Ông này cho biết, trong vòng 24 giờ, Nga tiến hành ít nhất 35 đợt không kích vào nhà máy Azovstal.
Trong khi đó, Moscow cáo buộc Kiev ngăn cản người dân rời Azovstal, coi họ là "lá chắn sống".