Chủ trì buổi làm việc có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. HCM.
Dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội; Nguyễn Đức Hải; Trần Quang Phương; Nguyễn Thị Thanh; cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Đảng đoàn Quốc hội và các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành.
Về phía TP. HCM có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. HCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. HCM; Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. HCM.
Nghiên cứu, có hướng tháo gỡ để TP. HCM triển khai đạt hiệu quả cao nhất
Buổi làm việc nhằm đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM và Nghị quyết 57 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. HCM. Bên cạnh đó, đánh giá về tình hình thực hiện các nội dung TP. HCM đăng ký thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; các nội dung qua thực tiễn áp dụng tại TP. HCM cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung pháp luật.
Phát biểu định hướng, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, buổi làm việc nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho TP. HCM trong thực hiện Nghị quyết 98, Nghị quyết 57 của Quốc hội. Trước khi diễn ra buổi làm việc, đồng chí đã yêu cầu các thành viên đoàn công tác nghiên cứu kỹ các đề nghị của TP. HCM, trên cơ sở đó, thông qua các phiên họp để giải quyết sớm cho TP. HCM, nhất là các vấn đề liên quan đến đường Vành đai 3 TP. HCM.
Về Nghị quyết 98, sau hơn 1 năm thực hiện, bên cạnh những việc đã làm, đang làm, còn một số nội dung gặp khó khăn, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu nghiên cứu, có hướng tháo gỡ để TP. HCM triển khai đạt hiệu quả cao nhất. Qua đó, giúp TP. HCM triển khai các nội dung trên tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tự chủ, thực chất; giảm hội họp cũng như giảm bớt các văn bản...
TP có khả năng hoàn thành 19/22 chỉ tiêu
Báo cáo với đoàn công tác, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cho biết, kết quả quý III/2024, TP. HCM tiếp tục đà tăng trưởng của quý II, quý sau tích cực hơn quý trước nhưng chưa có đột phá. Phần lớn các chỉ số quan trọng đều tăng so với cùng kỳ, cụ thể: GRDP quý III đạt 7,33%, tính chung 9 tháng đầu năm đạt 6,85%; doanh thu hàng hóa và dịch vụ tăng 10,5%; xuất khẩu đạt 33,82 tỷ USD (tăng 10,2%); nhập khẩu đạt 44,1 tỷ USD (tăng 6,4%); IPP tăng 6,9%; doanh thu du lịch tăng 11,9% trong đó khách quốc tế đạt 4,014 triệu lượt (tăng 12,4%); số doanh nghiệp thành lập mới tăng 1,6% (37.808 doanh nghiệp), số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 15,4%; thu ngân sách Nhà nước tăng 14,29% (đạt 76,9% dự toán năm); tỷ lệ giải quyết việc làm tăng 2,85%, tỷ lệ tạo việc làm mới tăng 5,17%. Đưa vào sử dụng nhiều công trình quan trọng trong lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng…
Về đánh giá khả năng hoàn thành 22 chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2020 – 2025, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, TP có khả năng hoàn thành 19/22 chỉ tiêu, trong đó 12 chỉ tiêu sẽ đạt; 1 chỉ tiêu phấn đấu đạt, 6 chỉ tiêu cần nỗ lực lớn để đạt; 3 chỉ tiêu không đạt gồm tốc độ tăng GRDP do bị ảnh hưởng trực tiếp từ Covid-19 giai đoạn 2020-2021; tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội/GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động.
Nghị quyết 98 có tính đột phá để TP tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển
Báo cáo về thực hiện Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh, Nghị quyết 98 đem lại cơ hội lớn, có tính đột phá để TP tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tiềm năng, thế mạnh của TP; phân cấp, tạo sự linh hoạt, chủ động, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hành chính; tạo cơ chế hoạt động thuận lợi, phát triển cho TP. Thủ Đức vận hành mô hình TP trong TP. HCM đầu tiên của cả nước.
Theo đó, Nghị quyết số 98 quy định 44 cơ chế đặc thù, trong đó có 30 cơ chế đã áp dụng; 2 cơ chế đang chờ Bộ, ngành bổ sung quy định; 1 cơ chế xin dừng thực hiện do đã có quy định mới thay thế; 4 cơ chế chưa đề xuất áp dụng; 7 cơ chế TP đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn.
Về lĩnh vực quản lý đầu tư, TP đã bố trí vốn đầu tư công và giải ngân 2.796 tỷ đồng (năm 2023) và 998 tỷ đồng (năm 2024) hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm. TP đã thông qua danh mục 7 vị trí phát triển TOD dọc tuyến Metro số 1, Metro số 2, tuyến Vành đai 3; đã ban hành danh mục 41 dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa theo phương thức đối tác công tư; 5 dự án BOT nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu để thực hiện đến năm 2028.
Về tài chính, ngân sách Nhà nước, TP đã đưa vào cân đối từ nguồn cải cách tiền lương ngân sách TP để chi thu nhập tăng thêm 11.287 tỷ đồng.
Về hoạt động xúc tiến đầu tư, đã đón tiếp và làm việc với hơn 320 đoàn trong và ngoài nước tìm hiểu về môi trường đầu tư kinh doanh; tổ chức 296 hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trong và ngoài nước; tổ chức nhiều hoạt động đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư liên quan tới thu hút nhà đầu tư chiến lược, tăng trưởng xanh (giảm phát khí thải, tín chỉ các-bon).
Về tổ chức bộ máy chính quyền của TP, đã thành lập Sở An toàn thực phẩm và Trung tâm Chuyển đổi số TP; đã tăng thêm 1 phó chủ tịch HĐND, 1 phó chủ tịch UBND TP. Thủ Đức, 1 phó chủ tịch UBND cho huyện Cần Giờ, Hóc Môn; 51/52 phó chủ tịch UBND đối với 51/52 phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50 ngàn người trở lên; đã giao số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn giai đoạn 2024 - 2026 với tổng số 7.037 người.
Về tổ chức bộ máy chính quyền TP. Thủ Đức, đã thành lập mới Ban Đô thị Hội đồng nhân dân, Thanh tra xây dựng; Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư, Trung tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật, Trung tâm An sinh xã hội… “Về cơ bản, mô hình chính quyền đô thị TP. Thủ Đức đang đi vào hoạt động ổn định, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.”- đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Đưa vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nội dung xây dựng Luật Đô thị đặc biệt TP. HCM
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi kiến nghị Quốc hội thông qua tổng thể dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TPHCM, chủ trương đầu tư Dự án thành phần đoạn qua tỉnh Long An và có Nghị quyết về cơ chế chung cho cả dự án để triển khai Dự án.
Về Đề án đường sắt đô thị TP, đồng chí Phan Văn Mãi kiến nghị Quốc hội chấp thuận việc phân bổ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ cho TP khoảng 25,6% trong giai đoạn đến 2035, còn lại sử dụng Ngân sách TP; đề xuất Quốc hội thông qua Đề án theo hướng thông qua khung chính sách cho hai TP để triển khai thực hiện Đề án, không phải là thông qua chủ trương đầu tư cho một dự án cụ thể. Trong các cơ chế, chính sách trình Quốc hội thông qua có bao gồm nội dung về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư từng tuyến: giao thẩm quyền cho HĐND quyết định chủ trương đầu tư, UBND TP quyết định đầu tư nếu vốn huy động cho dự án hoàn toàn là vốn của TP, để có thể áp dụng ngay cho dự án Metro 2 và các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng TOD trong năm 2025.
Về Đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP, đồng chí Phan Văn Mãi kiến nghị Quốc hội chấp thuận 10 cơ chế chính sách tập trung vào các nhóm trụ cột năng lực cạnh tranh cần ưu tiên để xây dựng thành công Trung tâm tài chính.
Về sửa đổi, bổ sung luật, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung, điều chỉnh hoặc có hướng dẫn đối với 25 nội dung gồm: nội dung trong Luật Xử lý vi phạm hành chính; nội dung trong Luật Giáo dục nghề nghiệp; 6 nội dung trong Luật Đầu tư công; 4 nội dung trong Luật Quy hoạch; 7 nội dung trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; 2 nội dung trong Luật Đấu thầu; 5 nội dung trong Luật Đầu tư.
Đối với việc thực hiện Nghị quyết 98, đồng chí cho biết, trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, kiến nghị Quốc hội cho nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Khoản 7 Điều 4 Nghị quyết 98 về yêu cầu giải ngân vốn đầu tư đối với nhà đầu tư chiến lược để đảm bảo phù hợp với thực tiễn thực hiện.
Đối với dự án Vành đai 3, TP kiến nghị Quốc hội ủng hộ việc cân đối nguồn vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ UBND tỉnh Bình Dương sớm nghiên cứu đầu tư nâng cấp, mở rộng 15,3km đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn đi trùng với đường Vành đai 3 để khai thác đồng bộ, hiệu quả khi dự án đường Vành đai 3 TP. HCM đưa vào khai thác năm 2026.
Đối với Nghị quyết 131/2020/QH14 về chính quyền đô thị tại TP. HCM, TP kiến nghị Quốc hội tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 131, từ đó, ban hành Nghị quyết mới toàn diện hơn, phù hợp hơn; đồng thời đưa vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nội dung xây dựng Luật Đô thị đặc biệt TP. HCM.
Đối với các nội dung dự kiến báo cáo Quốc hội về Vành đai 4, Đề án Đường sắt đô thị, Trung tâm tài chính quốc tế, đồng chí Phan Văn Mãi kiến nghị Quốc hội ủng hộ các cơ chế đặc thù dự kiến sẽ đề xuất.
Long Hồ/Thanhuytphcm.vn