Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ (Ảnh: internet)

Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định người cao tuổi không có lương hưu vẫn sẽ được hưởng trợ cấp xã hội với 04 mức khác nhau.

Theo đó, năm 2024, người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định sau đây sẽ được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng:

- Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

- Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.

- Người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng.

- Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.

Năm 2024 vẫn áp dụng mức chuẩn trợ giúp xã hội là 360.000 đồng/tháng. Tùy theo khả năng cân đối của ngân sách, tốc độ tăng giá tiêu dùng và tình hình đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho phù hợp; bảo đảm tương quan chính sách đối với các đối tượng khác.

Theo đó, về mức chuẩn xã hội hàng tháng hệ số 1,5 đối với người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, từ đủ 60 tuổi đến 80 tuổi; tương ứng được trợ cấp xã hội 540.000 đồng/tháng.

Hệ số 2,0 đối với người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, từ đủ 80 tuổi trở lên; tương ứng được trợ cấp xã hội 720.000 đồng/tháng.

Hệ số 1,0 đối với người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn; và người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng; tương ứng với được trợ cấp xã hội 360.000 đồng/tháng.

Hệ số 3,0 đối với người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng; tương ứng với được trợ cấp xã hội 1.080.000 đồng/tháng.

Tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã quy định về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm hưu trí bổ sung. Do vậy, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung Chương III về trợ cấp hưu trí xã hội (từ Điều 20 đến Điều 24).

Trong đó, Công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp xã hội hàng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo.

Mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách Nhà nước từng thời kỳ. Nhà nước khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ. Việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế.

PV (t/h)