Bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Hữu Nghị lên đường vào TP Hồ Chí Minh chống dịchBác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Hữu Nghị lên đường vào TP Hồ Chí Minh chống dịch

Với năng lực của mình, TP.HCM chỉ đảm nhận được năng lực điều trị khoảng 30.000 ca lây nhiễm. Trong bối cảnh ấy, hàng nghìn y, bác sĩ từ các bệnh viện Trung ương và các địa phương đã lên đường chi viện, hỗ trợ TP.HCM chống dịch.

Theo số liệu cập nhật mới nhất, hiện có 24 đoàn với hơn 4.400 nhân viên y tế cả nước hỗ trợ TP.HCM chống dịch. Trong đó có 535 bác sĩ, 1.222 điều dưỡng, 53 kỹ thuật viên, 8 giảng viên và 2.655 sinh viên. Ngoài ra còn có hơn 30 lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế được điều động trực tiếp hỗ trợ tất cả các quận, huyện triển khai các hoạt động chống dịch.

Từ Hà Nội gần 200 y, bác sĩ, kỹ thuật viên 6 viện gồm: E, Nội tiết Trung ương, Nhi Trung ương, Da liễu Trung ương, Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Hữu Nghị, trong hai ngày 26 - 27/7 lên đường vào TP Hồ Chí Minh tiếp sức. TP Hồ Chí Minh đề xuất T.Ư chi viện 12.000 nhân sự y tế để tham gia chống dịch. Ngoài Hà Nội, đoàn công tác các tỉnh, thành khác đã và đang sẵn sàng lên đường.

Người dân “đi chợ” tại “Gian hàng 0 đồng”
Người dân “đi chợ” tại “Gian hàng 0 đồng”

Cuộc chiến “chống giặc” Covid-19 vô hình vẫn đang tiếp tục với những quyết sách sát sao, quyết liệt của các cấp, ngành và sự đồng lòng, tin tưởng của nhân dân. Trong suốt hành trình cam go ấy, đi khắp 63 tỉnh thành, đâu đâu người ta cũng có thể bắt gặp những nghĩa cử yêu thương, hình ảnh chính quyền giúp người dân, người dân tự tìm đến giúp nhau theo tinh thần “lá lành, đùm lá rách”. Khi nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội thì vấn đề mưu sinh cho người nghèo tránh đứt bữa lại trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 820.000 gia đình, với khoảng 2,5 triệu người dân TP.HCM chịu ảnh hưởng do giãn cách dài ngày. Đã có một cuộc hồi hương lớn về quê bằng máy bay, tàu hỏa, xe ô tô, xe máy, xe đạp thậm chí cả đi bộ, xa nhất về tận Lào Cai khoảng hơn 2.000km, già nhất là 80 tuổi, nhỏ nhất là chỉ 5 ngày tuổi. Bao nhiêu gia đình là bấy nhiêu hoàn cảnh khó khăn, gian khổ khác nhau mà người dân phải vật lộn để sinh tồn.

Nhưng khi khó khăn cũng là lúc tình người lan tỏa, ngày càng nhiều người dân, nhà hảo tâm ủng hộ vật chất, gạo, muối, đường, bột ngọt, sữa, rau củ, trái cây, quần áo… để hỗ trợ cho người dân vùng bị phong tỏa hay những người dân nghèo trong mùa dịch bệnh.

Đơn cử Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP.HCM đã quyên góp 2 tỷ đồng sẽ trích ra trao 2.000 phần quà (tiền mặt) để hỗ trợ tới 2.000 những bà con, người lao động Nghệ An - Hà Tĩnh tại TP.HCM; Tổng Công ty đường sắt Việt Nam 6 tháng đầu năm đã thua lỗ hơn 400 tỷ đồng (năm ngoái lỗ hơn 1.300 tỷ đồng) nhưng vẫn chủ động tổ chức thành công vận chuyển hơn 1.000 người dân từ các tỉnh phía Nam về Hà Tĩnh, Quảng Trị và đang chuẩn bị tổ chức thêm một số chuyến tàu

Ngoài ra còn có những “Chuyến xe 0 đồng”, “Quầy hàng 0 đồng”, với sự đóng góp lương thực, thực phẩm, hàng hóa... của nhiều tấm lòng hảo tâm, được nhiều địa phương tổ chức nhằm san sẻ khó khăn với những người lao động nghèo, người yếu thế. Nhiều nơi, chính quyền địa phương còn tổ chức các đoàn công tác đến tận nhà tặng nhu yếu phẩm cho người dân, chia sẻ những khó khăn trước mắt để người dân an tâm chống “giặc dịch” hiệu quả.

Những hành động nhân văn này đã phát huy truyền thống tương thân, tương ái, nghĩa tình cao đẹp, góp phần động viên người dân TP.HCM và các tình thành phía Nam có thêm sức mạnh chiến đấu và niềm tin chiến thắng đại dịch Covid-19 trong thời gian sớm nhất.

Trang Nguyễn