Những kỷ lục kinh tế năm 2017 - Hình 1

Những kỷ lục kinh tế năm 2017

Theo đó, GDP đạt 6,81%; Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên 400 tỉ USD; Thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên 36 tỉ USD; Thu hút khách nước ngoài với 13 triệu lượt khách; Dự trữ ngoại hối lập kỷ lục từ trước tới nay với xấp xỉ 52 tỉ USD...; tất cả những thành tựu đó đã vẽ nên một bức tranh kinh tế với nhiều kỷ lục và màu sắc.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt mốc 400 tỉ USD. Mỹ vẫn là thị trường dẫn đầu với 41,5 tỉ USD.

Năm 2017, đã chứng kiến sự đột phá mạnh mẽ của nông sản khi lập kỳ tích thu về 36 tỉ USD. Trong đó, rau quả đã vượt qua nhiều mặt hàng chủ lực như gạo, dầu khí... để đạt 3,5 tỉ USD. Nhiều loại trái cây đã thâm nhập được các thị trường khó tính có yêu cầu cao như Mỹ, Nhật, châu Âu...

Năm 2017, Mỹ đã nhập khẩu vú sữa của Việt Nam sau gần 10 năm đàm phán. Quả thanh long tươi cũng đã xuất khẩu sang thị trường Úc, sản phẩm xoài cũng đã được New Zealand chấp nhận.

Các chuyên gia đánh giá, hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành nông sản năm nay khá thuận lợi. Ngoại trừ sản lượng xuất khẩu cà phê giảm do bị mất mùa, thì hàng loạt sản phẩm khác đều tăng mạnh. Nông nghiệp Việt Nam đang phát triển và có lợi thế rất lớn nên hoạt động xuất khẩu cũng khá thuận lợi. Nhiều doanh nghiệp đều dự báo lạc quan về tình hình xuất khẩu trong năm 2018 do nhu cầu của thế giới vẫn gia tăng.

Đặc biệt các doanh nghiệp lớn cũng đang có xu hướng đầu tư chế biến sâu và nâng cao chất lượng nông sản nên dự báo lợi nhuận các năm tiếp theo cũng gia tăng nhiều hơn.

Dệt may ngay từ đầu năm có dấu hiệu chững lại trước thông tin Mỹ rút khỏi TPP; Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại khiến sức mua sụt giảm. Tuy nhiên, ngành này đã về đích với kim ngạch xuất khẩu khoảng 31 tỉ USD, trong đó thặng dư thương mại khoảng 15,51 tỉ USD.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngoài các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, các doanh nghiệp trong ngành đã làm tốt công tác đa dạng hóa thị trường xuất khẩu mới, đột phá nhất là tại hai thị trường mới là Nga và Campuchia.

Các hiệp định thương mại (FTA) Việt Nam đã và đang đàm phán, sẽ góp phần làm cơ hội gia tăng xuất khẩu cho ngành này. Các doanh nghiệp cũng chủ động đầu tư, áp dụng công nghệ để tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh…

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, mặc dù Việt Nam chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu khoảng 10%, nhưng kết quả đạt được lên hơn 21% là quá ấn tượng. Đặc biệt, thặng dư trong thương mại đạt 2,7 tỉ USD. Trong khi xuất khẩu dầu thô không tăng, phần thặng dư đó có phần đóng góp lớn của hàng công nghiệp, chế biến chế tạo và nông lâm thủy sản. Đây là tín hiệu tốt trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Hoạt động kinh tế và xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018 sẽ tiếp tục tích cực hơn. Bởi hàng nông sản đang có nhiều lợi thế. Các doanh ngiệp cũng đang hướng đến sản xuất lớn và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp – điều này sẽ giúp ngành nông lâm thủy sản nâng cao hơn về sản lượng và chất lượng, thúc đẩy gia tăng các hoạt động thương mại trong và ngoài nước.

Những kỷ lục kinh tế năm 2017 - Hình 2

2017 - năm của những kỷ lục kinh tế

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhận định, những chỉ số tăng trưởng chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam đang phát triển và khẳng định với giới đầu tư nước ngoài. Sự quay lại dồn dập của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) hàng tỉ USD, phần nào nói lên điều đó.

Tuy nhiên, chúng ta không nên để niềm hân hoan kéo dài. Sự bùng nổ cần được gắn với sự thay đổi về đẳng cấp. Tăng trưởng về lượng vậy là khá yên tâm, song nếu phát triển đúng tầm và tuổi của một nền kinh tế mở cửa như Việt Nam thì đây là thời điểm chúng ta khẳng định đẳng cấp của mình, khẳng định “chất” chứ không nên chạy theo số lượng nữa.

Gia tăng trình độ lao động, giảm dần lao động giá rẻ là chiến lược phải nghĩ tới. Bởi trong tương lai, đầu tư FDI vào Việt Nam đòi hỏi cung cấp lao động có trình độ nhiều hơn là lao động phổ thông. Chúng ta nay có thể chọn lọc nhà đầu tư, cẩn trọng hơn với các dự án ảnh hưởng môi trường. Chúng ta lạc quan với kết quả thu hút đầu tư, nhưng không nên quên bài học trả giá bằng môi trường đã gặp phải trong mấy năm qua.

Muốn có đầu tư FDI chất lượng cao, phải có cải cách thể chế để cạnh tranh, như việc xây dựng vùng đặc khu kinh tế là một trong những tư duy tiến bộ rất đáng ghi nhận. Điều này chúng ta đã ghi điểm trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, ông Thiên phân tích.

Nguyễn Kiên