Nhà máy công tư hợp doanh Nhựa Bình Minh được thành lập ngày 16/11/1977 theo mô hình công tư hợp doanh trên cơ sở sáp nhập Công ty Ống Nhựa Hóa học Việt Nam (KEPIVI) và Công ty Nhựa Kiều Tinh. Đến cuối năm 2020, theo SCG Research, Nhựa Bình Minh chiếm khoảng 43% thị phần ống nhựa và phụ tùng tại miền Nam, 5% thị phần ống nhựa và phụ tùng tại miền Bắc và 28% thị phần ống nhựa thị trường nội địa, với 4 nhà máy sản xuất tại TP.HCM, Bình Dương, Long An và Hưng Yên, có công suất 150.000 tấn/năm. Đây cũng là thị trường tập trung 79% số lượng cửa hàng phân phối của Công ty, với gần 2.000 đại lý, cửa hàng phân phối, lớn hơn nhiều so với các đối thủ liền kề .

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) thông tin, sản lượng bán hàng trong tháng 07/2021 đạt 5.213 tấn, giảm 44%; doanh thu 244 tỷ đồng, giảm gần 39% so với cùng kỳ năm trước. Nửa đầu tháng 07/2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 tương đối ổn định nên hoạt động sản xuất của đơn vị duy trì mức bình thường. Song, nửa sau tháng 07 hoạt động kinh doanh sa sút nghiêm trọng trước các biện pháp giãn cách, việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn. 

Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh nổi lên là “vua nhựa” xây dựng miền Nam
Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh nổi lên là “vua nhựa” xây dựng miền Nam.

Sản phẩm của doanh nghiệp không được đưa vào diện thiết yếu và chỉ được phục vụ một số công trình đặc thù như bệnh viện dã chiến. Đồng thời, với giá nguyên liệu đầu vào cao đã nhập trước đó, doanh nghiệp lần đầu tiên trong lịch sử ghi nhận lợi nhuận âm khoảng 3,7 tỷ đồng tháng 07.

Nửa đầu năm, doanh thu đạt 2.606 tỷ đồng, tăng 14,5% cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 126 tỷ đồng, giảm 51% và thực hiện 24% kế hoạch năm. Biên lợi nhuận gộp giảm sâu từ 26,4% về 15%.

Lũy kế 07 tháng, công ty  thực hiện được 55% kế hoạch doanh thu cả năm và 53% kế hoạch sản xuất. Ông Ngân cho rằng, đây vẫn là kết quả tương đối tốt so với nhiều năm trước. Tuy nhiên, đơn vị mới thực hiện 23% kế hoạch lợi nhuận năm do giá nguyên liệu tăng cao. Giá hạt nhựa PVC tăng rất mạnh trong nửa đầu năm và đạt đỉnh vào tháng 5 với 1.600 USD/tấn, trong khi mức bình quân 2020 ở khoảng 900-1.000 USD/tấn.

Nhựa Bình Minh đã tăng giá bán khoảng 14% trong 06 tháng đầu năm. Trong điều kiện hiện nay, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết sẽ duy trì giá bán để thúc đẩy sản lượng trong thời gian còn lại của năm. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu có xu hướng giảm từ tháng 05 đến nay, mức giảm khoảng 20% có thể giúp biên lợi nhuận đơn vị được cải thiện. Giá nguyên liệu nhựa tăng trở lại từ tháng 9 dù không cao như đầu năm.

Lãnh đạo Công ty Nhựa Bình Minh chia sẻ, tình hình hoạt động của doanh nghiệp còn nghiêm trọng hơn trong tháng 8 khi sản lượng tiêu thụ ước khoảng 1.400 tấn, doanh thu khoảng 70-75 tỷ đồng, giảm sâu so với cùng kỳ năm trước và rất thấp so với mức kế hoạch 400-500 tỷ đồng mỗi tháng.

Đợt dịch bùng phát lần thứ tư này với thời gian giãn cách kéo dài đến đầu tháng 10 khiến toàn bộ hoạt động của công ty chỉ duy trì ở mức 15-20% so với bình thường. Về hoạt động sản xuất, công ty không duy trì mô hình 3 tại chỗ ở nhà máy Sài Gòn do điều kiện không gian và nhà máy chỉ còn 5% lực lượng lao động làm việc, lượng hàng tồn kho vẫn đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Nhà máy ở Bình Dương duy trì khoảng 80% lao động làm việc, chủ yếu cho khu vực bán hàng và chỉ sản xuất một số mặt hàng cần thiết. Ở Long An, doanh nghiệp có hơn 150 lao động và vẫn duy trì làm việc bình thường theo mô hình 3 tại chỗ. Tính chung toàn doanh nghiệp, lực lượng lao động còn làm việc chiếm khoảng 20%.

Với diễn biến dịch còn phức tạp thì tình hình sản xuất kinh doanh sẽ còn bị ảnh hưởng. Ông Ngân bày tỏ, doanh nghiệp chỉ có thể kỳ vọng vào hoạt động quý IV/2021. Nếu Covid-19 được khống chế thì mảng xây dựng dân dụng sẽ được đẩy mạnh hơn, doanh nghiệp đã chuẩn bị kế hoạch về hàng tồn kho, năng lực sản xuất để đón đầu nhu cầu phục hồi sau dịch.

Đối với đầu tư công được thúc đẩy, lãnh đạo doanh nghiệp không quá kỳ vọng do nhiều dự án vẫn trong trạng thái chậm trễ và năm nay chỉ tập trung cho giao thông, các sản phẩm của Nhựa Bình Minh không được tiêu thụ nhiều.

Dù vậy, sau hơn 42 năm hoạt động, Nhựa Bình Minh đã xây dựng nên một thương hiệu được người tiêu dùng đánh giá cao, đặc biệt trong mảng ống nhựa dân dụng PVC. Ngoài ra, bằng mối quan hệ với các đối tác chiến lược của Công ty, Nhựa Bình Minh vẫn đang duy trì vị thế dẫn đầu tại Việt Nam và mở rộng thị trường sang các khu vực khác của ASEAN.

Trong bối cảnh bình thường mới, thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19, lãnh đạo công ty Nhựa Bình Minh kỳ vọng sẽ đặt mục tiêu doanh thu năm 2021 là 5.200 tỉ đồng, tăng 11% so với thực hiện năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đi ngang ở mức 523 tỉ đồng. Bên cạnh đó, vẫn giữ được vị thế “vua nhựa” trên thị trường trong nước và khu vực.

Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh là hội viên trực thuộc Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam.

Trúc Mai

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)