Thừa Thiên Huế lưu giữ gần như nguyên vẹn tổng thể kiến trúc của một kinh đô -những giá trị di sản vật thể và phi vật thể vô giá với 7 di sản vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO công nhận
Bài 1: Thừa Thiên Huế - hành trình & khát vọng
Việc xây dựng Đề án thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương, có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng, thể hiện rõ ý chí, khát vọng, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân; tạo động lực để Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững, góp phần hiện thực hóa Nghị quyết số 54-NQ/TƯ ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045…
Vẻ đẹp yên bình, cổ kính của xứ Huế thơ mộng
Dẫn đầu cả nước về chỉ số PAPI
2023 - năm thứ hai liên tiếp, tỉnh Thừa Thiên Huế dẫn đầu cả nước về Chỉ số PAPI (Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam) với 46,0414 điểm, tăng 5 bậc so 2022.
Điều đó cho thấy nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc triển khai hiệu quả các giải pháp, thể hiện sự hài lòng của người dân về thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước, quản trị địa phương và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp.
Với phương châm “Lấy người dân làm trung tâm theo hướng thân thiện, đơn giản và đúng hẹn”, thời gian qua, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Mọi tổ chức, công dân đến trung tâm, đều được cán bộ, nhân viên tiếp đón, hướng dẫn thực hiện các thủ tục hành chính, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ các thủ tục hành chính và trả kết quả tận tình, chu đáo.
Theo Báo cáo PAPI 2023, hầu hết các chỉ số thành phần của tỉnh Thừa Thiên Huế thuộc tốp đầu cả nước: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở, công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, cung ứng dịch vụ công...
Thừa Thiên Huế thường xuyên tổ chức các lễ hội truyền thống đặc sắc, thu hút đông đảo khách thập phương
Để duy trì và đạt được những kết quả nâng cao chỉ số PAPI, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, hướng tới cải thiện hiệu quả phục vụ Nhân dân của chính quyền địa phương, nâng cao tinh thần phục vụ Nhân dân, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức công.
Các đơn vị, địa phương tạo cơ hội cho người dân tham gia đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền, vận động chính quyền cải thiện cung cách phục vụ Nhân dân và thúc đẩy việc tự đánh giá để đổi mới, tạo tập quán cạnh tranh lành mạnh và học hỏi kinh nghiệm giữa chính quyền các địa phương…
Phó giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế, Phạm Quang Trí cho biết:
“Để nâng cao chất lượng phục vụ, ngoài việc tiếp tục duy trì, nâng cao thái độ phục vụ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cấp giao diện cổng dịch vụ công để phục vụ dịch vụ công trực tuyến, trung tâm nghiên cứu các ứng dụng về tự động hóa, các ứng dụng AI, để phục vụ tốt hơn nữa trong việc cung cấp dịch vụ và dịch vụ công trực tuyến cho người dân”.
Dòng sông Hương chảy qua TP. Huế
Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân, trong nỗ lực nâng điểm chỉ số PAPI của tỉnh.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Nguyễn Thanh Bình:
Ngay sau khi công bố kết quả các bộ chỉ số, tỉnh đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch tiếp tục nâng cao hiệu quả của các bộ chỉ số. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục lắng nghe, tạo điều kiện cho người dân, cộng đồng, tiếp tục tương tác các thông tin liên quan về bộ chỉ số PAPI.
Trong đó, có việc thể hiện tính minh bạch cũng như sự đánh giá, phản ánh của người dân về năng lực điều hành của hệ thống, nhất là hệ thống các cơ quan nhà nước. Tỉnh bố trí nguồn lực nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ - là những nội dung sẽ được tiếp tục thực hiện quyết liệt trong thời gian tới.
Đầu thế kỷ XIX, triều Nguyễn đã kế thừa trọn vẹn ý tưởng quy hoạch đô thị có từ thời chúa Nguyễn nhưng mở rộng quy mô
Quan trọng bậc nhất đó là việc tổ chức thực hiện với yêu cầu phải phân công đúng nội dung, đúng con người, chịu trách nhiệm, theo đúng tiến độ đã được phân công. Đó là những giải pháp sắp tới - lãnh đạo tỉnh tập trung chỉ đạo để tiếp tục giữ vững vị thế trong bộ chỉ số nói chung, trong đó có Bộ chỉ số PAPI”.
Triển khai các công trình trọng điểm
Các chuyên gia kinh tế nhận định, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế sẽ có sự thay đổi tích cực về hình hài, khi có 3 trung tâm đô thị gồm TP. Huế, quận Hương Thủy, TX. Hương Trà.
Với quy hoạch này, quận phía bắc và quận phía nam sông Hương - là trung tâm vùng, là đô thị di sản, giữ vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, du lịch, thể dục - thể thao, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ.
Quận Hương Thủy, phát triển đô thị sân bay, gắn với Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp động lực. TX. Hương Trà là đô thị vệ tinh.
Thị xã Hương Trà
Quy hoạch cũng nêu cụ thể những phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn; phát triển các khu chức năng; phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…
Liên quan đến phát triển hạ tầng đô thị, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Nguyễn Văn Phương cho rằng, di sản văn hóa Huế - là tài sản vô giá của tiền nhân để lại, không chỉ của riêng Huế, mà là của cả nước. Vì vậy, Thừa Thiên Huế luôn đặt nhiệm vụ gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di sản lên hàng đầu.
“Việc xây dựng đô thị hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển - là nhu cầu và là yếu tố quan trọng, cần thiết mà bất cứ địa phương nào cũng hướng tới và tập trung đầu tư”, ông Phương nói.
Hành trang trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đã được Thừa Thiên Huế cụ thể hóa mạnh mẽ, thông qua các công trình trọng điểm - triển khai đồng bộ để sớm hoàn thành trong năm 2025 như cầu qua cửa biển Thuận An, cầu Nguyễn Hoàng bắc qua sông Hương, các mở rộng, phát triển đô thị Huế và các thị xã…
Thị xã Hương Thủy
Theo lãnh đạo tỉnh, đến nay, công trình cầu vượt bắc qua sông Hương và đường Nguyễn Hoàng mở rộng (TP. Huế) với kinh phí đầu tư hơn 2.280 tỷ đồng, đang dần thành hình.
Sau khi hoàn thành, cầu sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, chống ùn tắc, giảm tải lưu lượng cho tuyến Quốc lộ 1A và các tuyến qua trung tâm TP. Huế. Ngoài ra, cầu còn giúp hình thành và phát triển các đô thị vệ tinh, khu đô thị mới phía tây TP. Huế; phát triển kinh tế - xã hội, du lịch dịch vụ, cải thiện đời sống dân sinh.
Nói đến Thừa Thiên Huế, không thể bỏ qua Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Đây được xem là động lực phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, trong những năm tới. Theo Quy hoạch, Chân Mây sẽ được đầu tư xây dựng đô thị Chân Mây (gồm Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và phần mở rộng) đạt tiêu chí đô thị loại III.
Đồng thời, Chân Mây - Lăng Cô là khu kinh tế rộng nhất tỉnh Thừa Thiên Huế với diện tích khoảng 27.108 ha, gồm 5 khu chức năng chính (khu cảng, khu công nghiệp, khu phi thuế quan, khu đô thị và khu du lịch). Cuối năm 2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung - xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tập trung phát triển khu kinh tế này, chuẩn bị từng bước cho Chân Mây lên thành phố.
Sở hữu cảng nước sâu - là một trong những lợi thế phát triển của Khu Chân Mây - Lăng Cô (Ảnh: Nguyễn Phong)
Tính đến nay, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã có 57 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký hơn 87.000 tỷ đồng; trong đó có 28 dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 4.700 lao động, doanh thu hàng năm gần 4.000 tỷ đồng.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng vừa có quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án thu hút đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh.
Theo đó, tỉnh sẽ thu hút đầu tư nhiều dự án lớn tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô như:
Khu đô thị Chân Mây (vị trí trung tâm), quy mô 1.000 ha, tổng vốn đầu tư 35.000 tỷ đồng; Khu đô thị Chân Mây (vị trí ven sông Bù Lu), quy mô 420 ha, vốn đầu tư 14.700 tỷ đồng; Khu đô thị Chân Mây (vị trí 2), quy mô hơn 43 ha, vốn đầu tư 1.290 tỷ đồng; Khu đô thị Chân Mây (vị trí 4), quy mô 71 ha, vốn đầu tư 2.130 tỷ đồng.
Thừa Thiên Huế đang tập trung mọi nguồn lực phát triển hạ tầng, thu hút doanh nghiệp đầu tư, xây dựng tại các khu kinh tế, khu công nghiệp
Bên cạnh đó, còn có: Dự án Khu du lịch biển Lăng Cô - đầm Lập An, rộng gần 20 ha, vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng; Khu du lịch sinh thái Bãi Cả 120 ha, quy mô đầu tư 2.500 tỷ đồng… Tổng số vốn các dự án này, lên đến 59.620 tỷ đồng.
Cùng với đó là:
Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp kỹ thuật cao (vị trí 3), quy mô 1.525 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp kỹ thuật cao (vị trí 4), quy mô 1.450 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp số 2 Chân Mây, quy mô 800 tỷ đồng; Dự án Đầu tư bến số 4, 5, quy mô 1.600 tỷ đồng.
Gần đây nhất, Dự án Đầu tư xây dựng bến tổng hợp - container số 4 và 5 - Cảng Vsico Chân Mây, diện tích sử dụng đất và mặt nước khoảng hơn 26 ha, tổng kinh phí đầu tư gần 1.700 tỷ đồng, chính thức khởi công.
Dự kiến, bến số 4 hoạt động vào quý II/2025 và bến số 5 hoạt động vào đầu năm 2026; sản lượng thông qua 5 triệu tấn hàng hóa xuất nhập khẩu mỗi năm; với các tàu container, sản lượng dự kiến 80.000 TEU mỗi năm.
Doanh nghiệp Thừa Thiên Huế
Những khâu đột phá phát triển
Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế, đã xác định các khâu đột phá phát triển:
Phát triển hệ thống đô thị di sản, kết hợp đô thị hiện đại, thông minh, trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản; phát huy lợi thế đô thị ven biển, gắn với vị thế 4 trung tâm của vùng và cả nước với quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao về kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu;
Đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; trọng tâm ưu tiên phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng giao thông chiến lược, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng đô thị;
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững; nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh;
Phát triển bền vững kinh tế biển, đầm phá; xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là cực tăng trưởng, động lực phát triển của vùng động lực miền Trung và cả nước với hệ thống cảng biển nước sâu Chân Mây đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển chuỗi khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị biển - đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đặc sắc của khu vực;
Đại Nội Huế (Ảnh: Ngô Trần Hải An)
Phát huy vai trò động lực quan trọng của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng; đẩy nhanh tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp sản xuất điện từ nguồn năng lượng xanh (LNG, năng lượng tái tạo,...);
Ưu tiên thu hút các dự án lớn sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, có khả năng dẫn dắt, hình thành hệ sinh thái các ngành kinh tế trọng điểm;
Đổi mới, nâng cao hiệu quả trong bảo tồn di sản cố đô Huế, chuyển hóa hữu hiệu tài nguyên văn hóa, lịch sử, thiên nhiên - thành động lực tăng trưởng, phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng hệ sinh thái dân sinh, văn hóa, lịch sử và tự nhiên hấp dẫn; bồi đắp, phát huy giá trị con người xứ Huế làm nền tảng và nguồn lực phát triển bền vững.
Theo quy hoạch được phê duyệt, Thừa Thiên Huế có 3 trung tâm đô thị:
Đô thị trung tâm gồm TP. Huế (được chia thành 2 quận là quận phía bắc sông Hương, quận phía nam sông Hương), quận Hương Thủy, TX. Hương Trà.
Trong đó, quận phía bắc sông Hương, quận phía nam sông Hương - là trung tâm vùng, đô thị di sản, giữ vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trung tâm hành chính - chính trị, văn hóa, du lịch, thể dục - thể thao, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ.
Quận Hương Thủy, phát triển đô thị sân bay, gắn với Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp động lực. TX. Hương Trà, là đô thị vệ tinh.
Đô thị vùng tây bắc: TX. Phong Điền - Quảng Điền - A Lưới, trong đó khu vực đô thị trung tâm là đô thị Phong Điền, gắn với Cảng Điền Lộc, Khu công nghiệp Phong Điền, phát triển đô thị công nghiệp - là động lực phía bắc của tỉnh; là cửa ngõ phía bắc kết nối với các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong.
Đô thị vùng đông nam: Huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc, huyện Nam Đông; trong đó phát triển khu vực Chân Mây trở thành đô thị loại III - một thành phố thông minh, hiện đại, gắn với Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tạo động lực phát triển đột phá của vùng, cửa ngõ phía nam kết nối với TP. Đà Nẵng, cửa ngõ ra biển các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông - Tây.
Có hệ thống hạ tầng giao thông đường cao tốc La Sơn - Túy Loan; cảng biển nước sâu Chân Mây, phục vụ đón khách du lịch, vận chuyển hàng hóa quy mô lớn; phát triển đô thị biển gắn với đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Ba hành lang kinh tế của Thừa Thiên Huế: Hành lang kinh tế bắc – nam, gắn với Quốc lộ 1 là trục chính, cao tốc Bắc - Nam (Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan), Quốc lộ 49 B và đường ven biển, gắn với hành lang kinh tế ven biển;
Hành lang kinh tế Đông - Tây: Kết nối liên thông 3 cụm cảng biển phía dông (gồm Chân Mây, Thuận An, Phong Điền), với 2 cặp cửa khẩu biên giới Việt - Lào ở phía tây (gồm A Đớt/Tà Vàng và Hồng Vân/Cô Tài), thông qua các quốc lộ 49, 49D, 49E, 49F; gắn đường Hồ Chí Minh (kết nối các tỉnh vùng động lực miền Trung và Tây Nguyên), kết nối các nước Lào, Myanma, Thái Lan. Trong đó, ưu tiên đầu tư Đường 71, từ Cảng Phong Điền đến Cửa khẩu Hồng Vân, thông qua Quốc lộ 49F.
Hành lang kinh tế đô thị hướng biển và thúc đẩy liên kết vùng với tỉnh Quảng Trị và TP. Đà Nẵng:
Trục chính là đường ven biển, phát triển các tuyến tỉnh lộ, các tuyến giao thông hiện đại (tàu điện, đường sắt tốc độ cao) hướng đô thị biển; kết nối TP. Huế, TX. Hương Thủy, TX. Hương Trà và các đô thị ven biển.
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương
Các thành viên của Chính phủ đã thống nhất thông qua đề án thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương.
Theo đó, ngày 10/9, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Chính phủ đã tổ chức hội nghị thẩm định đề án thành lập TP. Huế
Hội nghị - do Chủ tịch Hội đồng Thẩm định đề án của Chính phủ - Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chủ trì.
Tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, Nghị quyết số 54 của đã khẳng định, đến năm 2025, Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Đây là đề án có ý nghĩa chính trị quan trọng, thể hiện rõ ý chí, nguyện vọng và sự đồng thuận của Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Không gian nhà vườn Huế
Việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương - sẽ tạo ra sự ảnh hưởng và sức bật mới, không chỉ cho TP. Huế phát triển, mà còn đóng góp thiết thực cho miền Trung, cho đất nước.
Sau khi nghe báo cáo đề án, các thành viên Hội đồng Thẩm định đều thống nhất, việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương - là phù hợp với các chủ trương, định hướng của Đảng và các quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ.
Về tên gọi “TP. Huế trực thuộc Trung ương” - phù hợp với lịch sử, truyền thống văn hóa của địa phương và được đại đa số cử tri đồng thuận, đạt tỷ lệ 98,67%/tổng số cử tri của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hội đồng Thẩm định thống nhất - đề nghị cấp có thẩm quyền thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương, trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế và thống nhất với phương án sắp xếp, thành lập các trực thuộc TP. Huế - trực thuộc Trung ương.
Sau khi thành lập, TP. Huế có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện), 133 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 78 xã, 48 phường và 7 thị trấn, giảm 8 đơn vị hành chính cấp xã.
Cầu Trường Tiền
Khi các thành viên của Hội đồng Thẩm định của Chính phủ thống nhất thông qua (17/17 phiếu đồng ý), Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chỉ đạo, tỉnh Thừa Thiên Huế khẩn trương xây dựng kế hoạch để hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị loại I - trực thuộc Trung ương; đồng thời xây dựng lộ trình về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, chủ động giải quyết hợp lý vấn đề nhân lực.
Phó thủ tướng cũng chỉ đạo, tỉnh xây dựng phương án sắp xếp, xử lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm đối với các trụ sở, tài sản công dôi dư, theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Nội vụ cũng được yêu cầu khẩn trương hoàn thiện dự thảo tờ trình và đề án của Chính phủ về việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương, để trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XV (tháng 10/2024, đang diễn ra).
Mục tiêu phát triển nhanh - bền vững
Cuối tháng 9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương.
- Huế - chính là nghệ thuật được vẻ đẹp của thiên nhiên bổ sung, tô điểm
Trình bày phương án sắp xếp, thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, phương án thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương, trên cơ sở nguyên trạng 4.947,11 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.236.393 người, của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đồng thời với thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương, thành lập 2 quận (Phú Xuân, Thuận Hóa), thuộc TP. Huế trực thuộc Trung ương, trên cơ sở TP. Huế hiện hữu; thành lập TX. Phong Điền, trên cơ sở nguyên trạng huyện Phong Điền; nhập huyện Nam Đông với huyện Phú Lộc để thành lập huyện Phú Lộc mới; thành lập 11 phường, 1 thị trấn và 1 xã, trên cơ sở sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp xã (2 phường, 1 thị trấn, 18 xã).
Sau sắp xếp, TP. Huế trực thuộc Trung ương có 4.947,11km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.236.393 người; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 2 quận, 3 thị xã, 4 huyện (không thay đổi số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, nhưng có giảm 1 thành phố, 2 huyện và tăng 2 quận, 1 thị xã); có 133 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 78 xã, 48 phường, 7 thị trấn (giảm 8 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó giảm 17 xã và tăng 9 phường); tỷ lệ đô thị hóa 63,02% (779.207 người/1.236.393 người).
Việc xây dựng Đề án thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương, có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng, thể hiện rõ ý chí, khát vọng, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân; tạo động lực để Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững, góp phần hiện thực hóa Nghị quyết số 54-NQ/TƯ ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045; đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng và góp phần phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Sự phát triển của Huế - cũng là sự đóng góp thiết thực cho vùng kinh tế Trung Trung Bộ và cho sự phát triển chung của đất nước
Trên cơ sở nội dung nêu trên, báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đồng tình với đề xuất của Chính phủ về việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương và các nội dung liên quan.
Do Đề án bao gồm cả nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội (việc thành lập thành phố trực thuộc Trung ương) và nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (việc thành lập quận, thị xã và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc), do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị cần được xem xét, giải quyết một cách tổng thể, đồng bộ, thống nhất, bảo đảm đúng quy trình, thủ tục theo quy định…
- TP. Huế trực thuộc Trung ương - sẽ trở thành một trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế
Thừa Thiên Huế xác định 3 trung tâm động lực tăng trưởng. Trong đó, Quần thể di tích, di sản cố đô Huế với khu công nghệ thông tin tập trung, khu công viên khoa học tại khu vực đô thị trung tâm:
Hình thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc của khu vực với các điểm đến, sản phẩm du lịch đẳng cấp, khác biệt, gắn với văn hóa - di sản; phát triển sản xuất phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin, chuyển đổi số và phát triển dịch vụ đô thị thông minh, nền tảng số, dữ liệu số, hạ tầng số tại khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa, các tổ hợp trình diễn nghệ thuật, hệ thống bảo tàng, trung tâm hoạt động, triển lãm thương mại, EXPO chuyên đề, trung tâm hội nghị quốc tế và học thuật toàn cầu;
Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô - xây dựng Cảng Chân Mây trở thành cảng container, cảng du lịch, là trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế; gắn với Cảng Liên Chiểu Đà Nẵng và hệ thống đấu nối giao thông quốc gia với các đường bộ - trở thành trung tâm logistics xanh của vùng và quốc gia; cung cấp và sử dụng năng lượng sạch làm cơ sở hình thành đô thị Chân Mây và các khu chức năng trong Khu kinh tế;
Khu công nghiệp Phong Điền - phát triển khu công nghiệp, hình thành đô thị công nghiệp phía bắc, kết nối với tỉnh Quảng Trị; xây dựng trung tâm phát triển ngành dệt may, phát triển công nghiệp thời trang; công nghiệp chế biến, khai thác khoáng sản, hóa dầu; các nhà máy trong khu công nghiệp được định hướng chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh, tiết kiệm…
Bài sau: Khánh Hòa - khát vọng vươn tầm
Xuân Phong