Trong khi nhóm nông sản chứng kiến lực mua mạnh mẽ đối với ngô và lúa mì Kansas với mức tăng giá hơn 1%, kéo chỉ số MXV-Index Nông sản tăng 0,37%, thì nhóm kim loại đồng loạt phủ trong sắc đỏ.

Lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn sẽ tiếp tục tăng lãi suất khiến đồng USD mạnh lên, kéo chỉ số Dollar Index tăng phiên thứ 4 liên tiếp, và gây sức ép mạnh tới các mặt hàng kim loại vốn nhạy cảm với biến động tiền tệ.

Tuy nhiên, xét chung trên toàn thị trường, mức biến động giá cả tương đối hạn chế khi nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng hơn. Giá trị giao dịch toàn Sở ổn định ở mức gần 3.500 tỷ đồng.

Giá ngô khởi sắc trước thềm Báo cáo cung-cầu nông sản

Mặc dù diễn biến ảm đạm sau khi mở cửa, nhưng giá ngô đã khởi sắc mạnh mẽ trong phiên tối và đóng cửa với mức tăng lên tới 1,63%. Số liệu dự đoán trước báo cáo Ước tính Cung-cầu Nông sản Thế giới (WASDE) tháng 4 của các nhà phân tích đã giúp thị trường đẩy mạnh việc mở các vị thế mua mới.

Trong một cuộc khảo sát của Reuters trước thềm công bố báo cáo, các nhà phân tích dự đoán tồn kho ngô cuối niên vụ 22/23 của Mỹ có thể đạt 1,319 tỷ giá, thấp hơn so với mức 1,342 tỷ giạ, được công bố chính thức trong báo cáo tháng 3.

Đối với nguồn cung từ Nam Mỹ, sản lượng ngô niên vụ 22/23 của Argentina được dự đoán ở mức 37,12 triệu tấn, giảm mạnh so với mức 40 triệu tấn của báo cáo tháng trước. Trong khi đó, con số này của Brazil được đặt ở mức 126,08 triệu tấn, tăng so với mức 125 triệu tấn trong báo cáo tháng 3.

Việc nguồn cung từ Mỹ và Argentina bị thu hẹp lại đã giúp thúc đẩy lực mua đối với ngô trong phiên hôm qua.

Bên cạnh đó, lúa mì cũng ghi nhận phiên tăng giá đầu tiên sau chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp trước đó. Tuy nhiên, mức tăng này chủ yếu đến từ việc giá mở cửa cách biệt lên tới 9 cent trong đầu phiên. Sau khi suy yếu trong phần lớn thời gian giao dịch còn lại, giá đóng cửa với mức tăng nhẹ 0,44%.

Vào thứ 6 tuần trước, Nga đã đe dọa sẽ từ bỏ thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen nếu như các rào cản đối với hoạt động xuất khẩu nông sản của nước này không được tháo gỡ.

Tuyên bố trên được đưa ra trong cuộc hội đàm tại Ankara giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. Ông Lavrov cũng cảnh bảo rằng, Ukraine có thể phải xuất khẩu ngũ cốc bằng đường bộ hoặc đường sông. Đây là yếu tố đã giúp giá lúa mì mở cửa tuần với mức tăng rất mạnh.

Kim loại gặp sức ép khi đồng USD tăng 4 phiên liên tiếp

Đối với nhóm kim loại, trong khi các mặt hàng kim loại niêm yết trên Sở London nghỉ giao dịch trong ngày Lễ Phục sinh, các kim loại còn lại đều kết phiên trong sắc đỏ. Lo ngại FED vẫn sẽ tiếp tục đợt tăng lãi suất vào đầu tháng 5 đã khiến đồng USD mạnh lên và gây áp lực tới nhóm mặt hàng này.

Đối với nhóm kim loại quý, giá vàng đánh mất mốc 2.000 USD/ounce sau khi giảm 0,9% xuống còn 1989,96 USD/ounce. Lực bán mạnh vào cuối phiên đã kéo giá bạc giảm 0,72% xuống 24,91 USD/ounce. Bạch kim dẫn đầu đà giảm trong nhóm, chốt phiên tại mức giá 1.003 USD/ounce sau khi giảm 1,37%.

Dữ liệu bảng lương phi nông của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp Mỹ đã giảm từ 3,6% xuống 3,5% trong tháng 3, vẫn là mức thấp trong lịch sử và điều này sẽ tạo thêm không gian cho chính sách tiền tệ thắt chặt của FED.

Công cụ theo dõi lãi suất FED watch của CME Group cho thấy, có hơn 70% ý kiến cho rằng FED sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong kỳ họp đầu tháng 5. Tỷ lệ này tăng cao hơn con số 50% trước thời điểm dữ liệu lao động được công bố.

Chỉ số Dollar Index trong phiên hôm qua bật tăng mạnh mẽ với mức tăng 0,48% lên 102,58 điểm, khi các nhà đầu tư tăng cường nắm giữ USD. Đồng bạc xanh mạnh lên đã làm giảm sức hấp dẫn của nhóm kim loại quý vốn nhạy cảm với lãi suất và biến động tiền tệ do chi phí nắm giữ đắt đỏ hơn, và liên tiếp thúc đẩy lực bán đối với bạc và bạch kim trong phiên tối.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng Dollar Mỹ mạnh lên cũng đã tạo sức ép bán đối với đồng COMEX, kéo giá mặt hàng này giảm 0,97% xuống 3,97 USD/pound.

Bên cạnh đó, kỳ vọng gia tăng nguồn cung tại Peru trong năm nay sau khi liên tục trải qua những gián đoạn do xung đột và biểu tình trong năm 2022 cũng đã thúc đẩy lực bán. Cụ thể, theo hãng tin Reuters, quốc gia sản xuất đồng lớn thứ 2 thế giới là Peru dự kiến sẽ sản xuất 2,8 triệu tấn đồng trong năm 2023, tăng gần 15% so với năm ngoái.

Giá quặng sắt tiếp tục giảm 0,02% xuống 117,49 USD/tấn khi thị trường xôn xao trước thông tin Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc sẽ tổ chức một cuộc họp vào thứ 6 để thảo luận chi tiết về chính sách cắt giảm thép thô trong năm nay.

Tuy nhiên, mức giảm hạn chế hơn các phiên trước. Theo dữ liệu từ Mysteel, tồn kho quặng sắt tại các cảng lớn của Trung Quốc đã giảm 7,5% xuống 131,52 triệu tấn trong tuần kết thúc ngày 6/4, đánh dấu tuần giảm thứ 6 liên tiếp. Điều này mang lại tín hiệu lạc quan hơn đối với nhu cầu quặng sắt cho lĩnh vực sản xuất thép.

Giá thép xây dựng trong nước đồng loạt giảm giá

Theo đà giảm của giá sắt thép trên thế giới, các doanh nghiệp thép trong nước vừa đồng loạt điều chỉnh giảm giá thép xây dựng sau 6 lần tăng liên tiếp từ đầu năm nay, mức giảm từ 100 đồng/kg-610 đồng/kg.

Hiện tại, giá thép xoay quanh mức 15.020 đồng/kg-17.570 đồng/kg tùy từng thương hiệu và chủng loại thép.

Theo SteelOnline.vn, thương hiệu thép Hòa Phát tại miền bắc đã điều chỉnh giảm giá mạnh với dòng thép cuộn CB240 từ mức 15.960 đồng/kg xuống còn 15.660 đồng/kg; và thép thanh vằn D10 CB300 giảm nhẹ, từ mức giá 15.990 đồng/kg còn 15.890 đồng/kg.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá thép có thể giảm sâu hơn trong giai đoạn tới, nhất là khi các nhà sản xuất thép Trung Quốc đang liên tục giảm giá thép HCR tại Việt Nam.

Ngoài ra, bất động sản còn nhiều khó khăn vẫn sẽ khiến bài toán nhu cầu gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, tiêu thụ thép trong quý III và quý IV được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh nhờ loạt yếu tố về giải ngân vốn đầu tư công và chính sách thúc đẩy nhà ở xã hội.

Theo Hà My (Báo Nhân dân)