Theo thống kê, song song với số ngân hàng tăng lãi suất huy động như: ABBank, Agribank, Techcombank, MSB, LPBank, Eximbank, Bac A Bank… (trong đó, Bac A Bank là nhà băng điều chỉnh tăng lãi suất hai lần trong một tháng), thì cũng có một số ngân hàng giảm lãi suất huy động bao gồm: Agribank, Techcombank, VPBank, CB và LPBank.

So với tháng 9, số ngân hàng tăng lãi suất huy động trong tháng 10 đã giảm mạnh, trong khi đó, số ngân hàng giảm lãi tăng lên. Trong tháng 9, thị trường ghi nhận 12 ngân hàng tăng lãi suất, bao gồm: Nam A Bank, PGBank, ACB, BVBank, Agribank, GPBank, VietBank, OceanBank, Dong A Bank, Bac A Bank, OCB... Trong đó, OceanBank đã tăng lãi suất lần thứ 2 trong tháng này. Trong khi đó, tháng 9 chỉ duy nhất ABBank đã giảm lãi suất huy động, mức giảm từ 0,1- 0,4%/năm các kỳ hạn 1-12 tháng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, dù lãi suất huy động chính thức theo niêm yết của các ngân hàng vẫn trầm lắng nhưng phía sau đó là sự sôi động “ngầm” của thị trường lãi suất khi các ngân hàng áp dụng nhiều hình thức khác nhau để hút tiền gửi. Trong tháng 10, Eximbank công bố biểu lãi suất ngân hàng dành riêng cho các ngày cuối tuần cho thấy, biểu lãi suất này tồn tại song song với biểu lãi suất huy động tại quầy và trực tuyến. Đáng chú ý, lãi suất huy động trực tuyến trong hai ngày cuối tuần (thứ Bảy và Chủ nhật) cao hơn so với thông thường, mức chênh lệch cao nhất lên đến 1,1%/năm.

Theo đó, lãi suất huy động trực tuyến vào các ngày cuối tuần của tháng 10, kỳ hạn 1-2 tháng là 4,5%/năm (cao hơn từ 0,5-0,6%/năm so với lãi suất huy động trực tuyến thông thường), kỳ hạn 3-5 tháng lên đến 4,75%/năm (cao hơn từ 0,05-0,85%/năm). Eximbank là ngân hàng duy nhất niêm yết lãi suất huy động có kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức kịch trần.

Eximbank niêm yết lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 5,5%/năm (cao hơn lãi suất tiền gửi trực tuyến thông thường 0,3%/năm); kỳ hạn 9 tháng - 12 tháng - 15 tháng lần lượt là 4,5% - 5,5% - 5,7%/năm (bằng lãi suất tiền gửi trực tuyến thông thường). Kỳ hạn 18-36 tháng niêm yết lên đến 6,3%/năm (cao hơn từ 0,4-1,1%/năm so với lãi suất huy động trực tuyến thông thường). Đây cũng là lãi suất huy động cao nhất hiện nay.

Hiện trên thị trường, nhiều ngân hàng niêm yết lãi suất huy động vượt mốc 7%/năm. Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất này, khách hàng cần phải đáp ứng các điều kiện đặc biệt. PVcomBank dẫn đầu với mức lãi suất 9,5%/năm cho kỳ hạn 12-13 tháng, với điều kiện khách hàng có số dư tối thiểu 2.000 tỷ đồng.

Tiếp theo là HDBank, với mức lãi suất đặc biệt cao 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, với yêu cầu số dư tối thiểu 500 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng áp dụng lãi suất 6%/năm cho kỳ hạn 18 tháng. Tại MSB, cung cấp mức lãi suất tiền gửi tại quầy lên tới 8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, với điều kiện sổ tiết kiệm phải mở mới hoặc tự động gia hạn từ 1/1/2018.

Dong A Bank cũng áp dụng lãi suất 7,5%/năm cho các khoản tiền gửi trên 200 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng trở lên. Ngoài ra, ngân hàng này cũng duy trì mức lãi suất 6,1%/năm cho kỳ hạn 24 tháng. Bac A Bank niêm yết lãi suất 6,35%/năm cho kỳ hạn 24 tháng, áp dụng cho số dư tiền gửi trên 1 tỷ đồng.

Một số ngân hàng khác như Cake by VPBank, BVBank, VRB và SaigonBank duy trì mức lãi suất từ 6% đến 6,1%/năm cho các kỳ hạn dài mà không yêu cầu số dư tối thiểu.

PV (t/h)