Danh lam, thắng cảnh
Về với vùng đất “địa linh nhân kiệt”, du khách sẽ được tận hưởng những thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp và nguyên sơ.
Núi Ba Vì sừng sững - lá phổi xanh của Thủ đô - khu vực có khí hậu quanh năm mát mẻ, với hệ sinh thái đa dạng, những thác nước và nhiều điểm du lịch hấp dẫn: Ao Vua, Khoang Xanh, Thác Đa…
Chênh chếch về hướng nam, mọc lên những núi đá vôi, những hang động và sông suối…, đã tạo nên khu danh lam thắng cảnh Hương Sơn nổi tiếng. Vùng đất còn là nơi hội tụ của nhiều hồ nước lớn, thích hợp cho phát triển du lịch sinh thái: Hồ Đồng Mô (1.200 ha), hồ Suối Hai (950 ha), hồ Quan Sơn (850 ha)…, được coi như là những Thanh Sơn, Thủy Tú mời gọi các nhà đầu tư.
Ao Vua - điểm đến tuyệt vời cho ngày nghỉ cuối tuần ngay gần Hà Nội (Ảnh: dulichbavi.net)
Ngược dòng thời gian, qua những di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, du khách có thể tận mắt cảm nhận những nét tinh hoa, độc đáo của một vùng đất vốn được mệnh danh “đất trăm nghề”.
Đến nay, vùng này có khoảng 2.400 di tích lịch sử văn hóa (có hàng chục di tích được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp loại đặc biệt quan trọng).
Khu du lịch Khoang Xanh - Suối Tiên
Vùng tây có trên 200 làng nghề khác nhau (hơn 200 địa phương được công nhận làng nghề truyền thống và hơn 10 làng nghề được xác định đầu tư trọng điểm phát triển du lịch). Tên tuổi của nhiều làng nghề đã trở thành điểm đến du lịch của hàng chục vạn du khách trong và ngoài nước, như: Dệt lụa Vạn Phúc, Mây tre đan Phú Vinh, Khảm trai Chuyên Mỹ…
Khi còn là tỉnh Hà Tây, nơi đây đã khởi phát đâu tiên trong việc tổ chức thành công Hội chợ Du lịch làng nghề truyền thống - nhằm tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề, kích thích sản xuất, xúc tiến đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, tham gia tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo ra một loại hình du lịch hấp dẫn, độc đáo và bền vững.
Thác Đa
Vùng đất “địa linh nhân kiệt” đã và đang có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch lễ hội. Một bề dày truyền thống văn hóa lâu đời, với những địa danh và những con người nhân kiệt - đã đi vào lịch sử trường tồn cùng dân tộc: Chùa Hương, Chùa Thầy, Chùa Mía, Chùa Đậu, Nhà thờ Nguyễn Trãi, Đền Phùng Hưng, Lăng Ngô Quyền… Trong quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch, tỉnh Hà Tây (cũ) và nay là Hà Nội - đã xác định được 3 vùng trọng điểm phía tây là Ba Vì - Sơn Tây, Hương Sơn - Quan Sơn, Hà Đông và vùng phụ cận.
Trong nhiều năm qua, lượng khách du lịch vùng tây có xu hướng tăng dần, tăng bình quân 17,3%/năm. Các hoạt động du lịch, từng bước phát triển, góp phần gìn giữ phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường; tham gia tích cực vào hội nhập kinh tế quốc tế.
Đồng Mô - địa điểm hấp dẫn khiến nhiều người Hà Nội lựa chọn ghé đến vào cuối tuần
Nhìn lại thực tiễn phát triển kinh tế du lịch những năm qua và các điều kiện thuận lợi, có thể khẳng định rằng: Du lịch vùng tây đã dần đáp ứng được yêu cầu và có đủ điều kiện để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Vùng tây trở thành điểm thu hút vốn đầu tư về du lịch (không tính đến lĩnh vực công nghiệp, khoa học - kỹ thuật và công nghệ), là một trung tâm phân phối khách du lịch của cả nước; rất nổi tiếng với các khu nghỉ dưỡng cuối tuần.
Ngành du lịch Thủ đô đã và đang kịp thời xây dựng chiến lược và triển khai thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng du lịch, hạ tầng làng nghề; cải tạo giao thông, vệ sinh môi trường… Thực tế những năm qua, thành phố đã tiến hành nạo vét và tôn tạo cảnh quan Suối Yến, xây dựng mới đường vào Khu du lịch Chùa Thầy, Chùa Tây Phương…
Hồ Suối Hai
Thành phố triển khai các dự án có quy mô lớn, trên cơ sở phát triển căn cứ vào phương hướng, chiến lược đề ra của tỉnh Hà Tây (cũ) để phù hợp với tình hình đổi mới, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới của Thủ đô mở rộng.
Trong đó, phải kể đến:
Dự án Khu du lịch chuyên đề quốc gia Suối Hai (huyện Ba Vì), diện tích 2.900 ha, tổng vốn đầu tư 3.500 đồng; Dự án Khu du lịch sườn tây núi Ba Vì, diện tích 8.200 ha, tổng vốn đầu tư 417 tỷ đồng; Dự án Khu du lịch sinh thái Hồ Quan Sơn (huyện Mỹ Đức), diện tích 196 ha, tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng; Dự án Trung tâm dịch vụ - Du lịch làng nghề Hòa Lạc (huyện Thạch Thất), diện tích 20 ha, tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng…
Hệ thống cơ sở lưu trú trong vùng cũng phát triển nhanh, cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Nhiều khách sạn có quy mô khá lớn đã được xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động như Khách sạn ASEAN An Quân, Khách sạn Pacific, Khách sạn Thiên Mã, Khách sạn Xuân Mai…
Khảm trai Chuyên Mỹ
“Lá phổi” thêm xanh
Vườn Quốc gia Ba Vì có hệ thực vật nhiệt đới và Á nhiệt đới điển hình ở Việt Nam. Đây là nơi hội tụ của nhiều luồng động thực - vật di cư tới nên Vườn Quốc gia Ba Vì có nguồn tài nguyên thiên nhiên khá đa dạng và phong phú.
Theo thống kê của Ban Quản lý vườn quốc gia Ba Vì:
Rừng có 862 loài thực vật bậc cao thuộc 99 họ, 472 chi; trong đó có 15 loài cây quý hiếm như bách xanh, thông tre, xỉ ba mũi, sến lá bạc, hoa tiên, dương xỉ thân gỗ, nhiều loại là cây thuốc quý (169 loại).
Với một hệ thực vật đa dạng loài như vậy nên Ba Vì cũng có một hệ động vật hoang dã đa dạng tương ứng.
Vườn Quốc gia Ba Vì là nơi sinh sống của gần 50 loài thú, 115 loài chim, 27 loài lưỡng cư, 61 loài bò sát, 86 loài côn trùng; trong đó có 23 loài quý động vật có tên trong Sách Đỏ như cu li lớn, gấu ngựa, tê tê vàng, công, gà lôi trắng, khỉ, báo, gấu, sóc bay…; có các loài bướm như bướm rồng đuôi trằng, bướm phượng Helen, bướm đuôi kiếm...
Khách sạn Pan Pacific Hà Nội có vị trí vô cùng đắc địa (Nguồn: ST)
Được sự ưu ái của thiên nhiên về địa hình, khí hậu đã tạo cho Vườn Quốc gia Ba Vì trở thành một trong 4 khu du lịch sinh thái vùng núi cao nổi tiếng (Đà Lạt, Sa Pa, Ba Vì, Tam Đảo).
Từ trung tâm Hà Nội, đi theo hướng tây 50 km đến thị xã Sơn Tây, xuôi tiếp theo đường về hồ Suối Hai 16 km, nhìn phía bên tay phải mờ ảo trong mây màu xám trắng 3 đỉnh núi - Ba Vì và cũng là bắt đầu bước vào không gian lung linh huyền thoại của Vườn Quốc gia Ba Vì.
Đường vào khu Vườn Quốc gia Ba Vì thật thơ mộng, một bên nhiều cây to cổ thụ, rêu phủ mượt dưới gốc cây, một bên thoáng đãng nhìn thấy cả bầu trời xanh biếc, từng gợn mây trắng xốp lững lờ vờn quanh đỉnh núi xám xa xa.
Từ cổng vào khu vực Vườn Quốc gia, có 2 nhánh rẽ, nếu muốn chiêm ngưỡng kỳ hoa dị thảo và chim muông lạ, thì rẽ vào khu rừng trúc; còn như muốn lên 3 đỉnh núi, thì đi sâu vào trong, theo một con đường dốc nghiêng 10 độ, khá bằng phẳng, nhưng cũng khá khúc khuỷu. Càng đi sâu vào trong càng lên cao, càng như thấy đang lạc vào một không gian kỳ ảo của mây, gió, tiếng chim hót trong rừng cây...
Chùa Hương
Hướng đông là đỉnh Vua, leo lên 779 bậc đá là tới đỉnh và trên đó có lập Đền thờ Bác Hồ. Đối diện về phía tây là đỉnh Tản Viên, lên 225 bậc đá, nơi có Đền Thượng. Lên thêm 50 bậc đá nữa là Vọng Cảnh, nhìn từ đây, sẽ thấy một góc nội đô Hà Nội - khu Linh Đàm.
Đỉnh Ngọc Hoa, nằm chếch với 2 đỉnh kia. Lên 3 đỉnh núi, cho dù lúc leo lên khá vất vả - “thở bằng tai” - nhưng lúc chạm chân tới đỉnh, khi người và mây lẫn vào nhau, khi cảm giác như đang rất gần với thần linh, lắng tâm với những huyền tích khác nhau, xưa nay đan cài, trong cái ảo diệu của trời đất, núi rừng, tiếng vọng thời gian, mùi hương trầm thoảng trong gió, bỗng như cảm thấy tâm hồn được thanh thoát kỳ lạ…
Theo lối mòn từ cổng đi vào dẫn lối du khách vào trong rừng thông vi vút, rừng tùng rộng lớn. Vẻ bao la của đại ngàn - như đưa du khách lạc tới một miền đất kỳ diệu. Sau khi trải qua một chặng đường khá dốc và gấp khúc, du khách sẽ tới được khu trung tâm cốt 400 m. Tại đây, du khách sẽ được tận hưởng bầu không khí mát lạnh của vùng núi Ba Vì và tìm dấu vết còn lại của khu nghỉ mát có từ năm 1940, do người Pháp xây dựng…
Đêm xuống, Vườn Quốc gia Ba Vì như chuyển mùa rõ rệt, màu đen bao phủ, tiếng chim hót thưa dần, tiếng côn trùng kêu, tiếng vượn hú ngày một rõ... tạo nên những âm thanh mang âm hưởng của núi rừng đại ngàn.
Du lịch Ba Vì
Đến nay, toàn vùng đã mọc lên hàng trăm khách sạn, nhà nghỉ với hàng nghìn phòng. Ngoài ra, việc đầu tư nâng cấp và phát triển các sản phẩm du lịch mới, cũng diễn ra rất sôi động tại các cụm du lịch trọng điểm.
Các doanh nghiệp trong ngành đã tăng cường đầu tư xây mới và cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch nhằm khai thác tiềm năng kinh doanh, cũng như năng lực phục vụ khách: Công viên nước - hồ bơi Mã Mây; sân golf đạt tiêu chuẩn 5 sao; dịch vụ kinh doanh ăn uống theo hình thức chợ quê; trung tâm thể thao giải trí, ăn nghỉ hiện đại tại quận Hà Đông…
Du lịch vùng tây Hà Nội đang ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Du lịch vùng tây đang đóng góp một phần không nhỏ trong ngành “công nghiệp không khói” của Hà Nội.
Đây sẽ là một khu vực tạo thế chân kiềng vững trãi - để ngành du lịch phát triển nhanh, bền vững - trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần vào việc chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế của Thủ đô, cũng như phát triển du lịch của cả nước trong xu thế hội nhập toàn cầu.
Xuân Phong