Dịp cao điểm nghỉ lễ gần đây, sân bay Tân Sơn Nhất vắng vẻ hơn rất nhiều. Hãng hàng không nào cũng nhận ra điều đó. Nhưng tất cả đều không kiểm soát được giá cả đầu vào.
Ông Nguyễn Bác Toán, Phó Tổng Giám đốc Thương mại Vietjet Air - cho biết: "Chi phí nhiên liệu hãng hàng không chiếm 40 - 50% chi phí vận hành mà giá dầu năm nay đã tăng 20 - 25% cũng như áp lực phải thay thế các nhiên liệu thân thiện môi trường cũng làm tăng chi phí".
Hội thảo về giảm giá vé máy bay tổ chức sáng 18/5 tại thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt thu hút sự quan tâm của nhiều bên. Không ít ý kiến và đề xuất tâm huyết đã được đặt ra.
Ông Đặng Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cho biết: "Chúng tôi đang nỗ lực để giảm những chi phí mà chúng tôi kiểm soát được, ở đâu đó khoảng 10%".
Ông Trương Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airway, chia sẻ: "Chúng tôi mong muốn Chính phủ xem xét trên mặt bằng về giá xăng dầu hiện nay mà dự báo sẽ còn tăng, mong muốn xem xét giảm thuế nhập khẩu, phí cất - hạ cánh".
Theo các hãng, chi phí hàng không phụ thuộc 60 - 65% từ thuế mua máy bay, bảo dưỡng, xăng dầu. Điều này trong nước không chi phối được. Khoảng 15 - 20% là các loại thuế phí quản lý. Chi phí quản lý, nhân sự của các hãng chiếm từ 10 - 15%.
Ông Đỗ Hồng Cẩm, Phó Cục trưởng Cục Hàng không, Bộ Giao thông Vận tải - cho rằng: "Đòi hỏi cơ quan quản lý vào cuộc nhưng chúng tôi cũng xác định vào cuộc ở đây là phải mang tính liên ngành, chứ không chỉ mỗi ngành hàng không".
Có thể thấy, việc giảm giá vé máy bay trong ngắn hạn là điều không dễ. Các bên sẽ phải xoay xở với mặt bằng giá mới.
Trước mắt, chỉ có thể phối hợp liên ngành để tăng hiệu quả khai thác, cắt giảm chi phí quản lý dù chiếm tỉ lệ nhỏ. Các hãng hàng không cũng cam kết sẽ đưa ra nhiều chính sách khuyến mãi kích cầu và đề nghị người dân có nhu cầu nên tìm mua vé sớm để có mức giá hợp lý.
Thu Trang (t/h)