Bên cạnh các giá trị ngoại hạng toàn cầu về thẩm mỹ và địa chất địa mạo đã 3 lần được UNESCO công nhận là di sản thế giới, Di sản – Kỳ quan vịnh Hạ Long còn được các chuyên gia đánh giá cao về tiềm năng giá trị văn hóa. Từ góc nhìn lịch sử về văn hóa vịnh Hạ Long, vùng biển đảo Đông Bắc gắn với 4 giai đoạn phát triển căn bản của không gian lịch sử, văn hóa dân tộc. Đó là không gian hình thành nên các nền văn hóa biển: Soi Nhụ - Cái Bèo - Hạ Long thời tiền sử; là trung tâm kinh tế quan trọng ở khu vực Đông Á, giữ vai trò kết nối Đông Bắc Á với Đông Nam Á và Tây Nam Á ngay từ những thế kỷ đầu công nguyên; là đầu mối bang giao, giao thương quốc tế quan trọng hàng đầu của quốc gia Đại Việt. Đến nay, văn hóa biển Hạ Long từ thế kỷ XIX được phát huy theo hướng kinh tế biển xanh, du lịch, dịch vụ biển, công nghiệp văn hóa biển.
Các ý kiến chuyên gia tham gia hội thảo đều khẳng định giá trị văn hóa trên vịnh Hạ Long, với những đặc trưng tiêu biểu, có chiều sâu và cơ tầng phong phú, với nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản tư liệu; là minh chứng sinh động cho truyền thống khai thác biển, tư duy hướng biển, phát triển kinh tế biển. Các giá trị đó đã và đang góp phần làm gia tăng giá trị đặc sắc, chiều sâu, tính toàn vẹn, xác thực của Di sản thế giới vịnh Hạ Long.
Các cơ quan quản lý, chuyên gia, các nhà khoa học đã đánh giá toàn diện, đa chiều về tiềm năng giá trị văn hóa của khu vực vịnh Hạ Long, cũng như sự tương tác giữa môi trường và văn hoá biển - khởi nguồn của những giá trị văn hoá phi vật thể độc đáo trên vịnh Hạ Long; xác định ranh giới và mô hình, cách thức quản lý di sản đề cử dạng chuỗi có tính chất liên vùng. Từ đó, đề ra các giải pháp, bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị của di sản, đặc biệt là giá trị về văn hóa – lịch sử.
Hội thảo “Nhận diện, đánh giá những giá trị văn hóa tiêu biểu, độc đáo trên vịnh Hạ Long” là một trong những hoạt động hướng đến kỷ niệm 30 năm vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới về giá trị cảnh quan tự nhiên và tiếp tục được vinh danh năm 2000 về giá trị địa chất địa mạo. Năm 2023, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới liên tỉnh - thành phố đầu tiên ở Việt Nam. Tháng 9 vừa qua, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà tiếp tục được Liên hiệp Khoa học Địa chất quốc tế công nhận danh hiệu Di sản Địa chất quốc tế.
Trần Trang (t/h)