Ông Nguyễn Quang Tiệp trong căn phòng làm việc hiện tại ở xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ
Ông Nguyễn Quang Tiệp trong căn phòng làm việc hiện tại ở xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ

Hồi tưởng về một thời chiến đấu oanh liệt

Chiến tranh chính thức đã lùi xa hơn 30 năm, thế nhưng, ở trong tâm trí của mỗi người lính, người chiến sĩ năm xưa như ông Nguyễn Quang Tiệp, những ký ức về một thời chiến đấu oanh liệt vẫn còn nguyên vẹn, khắc khoải trong tâm khảm. Cứ mỗi tháng Bảy về, ông lại dạt dào hồi tưởng về một thời đã từng chiến đấu vô cùng oanh liệt cùng đồng chí, đồng đội năm xưa.

Ông Nguyễn Quang Tiệp nhớ lại: Ngày 6 tháng 5 năm 1972 ông nhập ngũ. Sau khi nhập ngũ thì ông được đơn vị huấn luyện tại Trung đoàn 5, Sư đoàn 350 của Quân khu 3, tại Yên tử (tỉnh Quảng Ninh). Sau 1 tháng rưỡi huấn luyện thì ông nhận lệnh đi vào chiến trường 15 tại chiến trường Quảng Trị.

Ngày 15/7/1972 Trung đoàn bắt đầu hành quân đi bộ từ chợ Rét xã An Vinh, huyện Quỳnh Phụ đến Bãi Hà, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Khoảng thời gian đó cứ 3 đêm hành quân đi bộ thì 1 đêm nghỉ. Khi hành quân được 1 tháng 16 ngày, ông Tiệp được bổ sung vào Sư đoàn 32B nay gọi là Sư đoàn 390 của Quân đoàn 12 và sau khi được bổ sung thì ông và đồng đội vào đúng Trung đoàn 48, Trung đoàn Thạch Hãn đang chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Khi vào tới Thạch Hãn thì đơn vị cũng chốt giữ được thời gian tương đối dài và Trung đoàn của ông cũng tham gia vào Chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Rưng rưng cảm xúc, ông Tiệp nghẹn ngào nói: “Các cuộc chiến đấu đều rất ác liệt, năm tháng đó, sự hy sinh xương máu của anh em đồng đội có thể nói là từng giờ từng ngày và cũng là từng phút. Lúc nào cũng có tin anh em bị hy sinh do bom đạn của Mỹ…. Máy bay Mỹ bỏ bom, pháo đạn; lúc đó Thành cổ Quảng Trị luôn bị bom đạn bủa vây, chiến đấu hy sinh là không thể kể hết được.

Một kỷ niệm về sự chiến đấu hy sinh oanh liệt của đồng đội làm ông luôn nhớ mãi. Nếu bơi qua dòng sông Thạch Hãn thì bị hy sinh, mà không bơi thì bị thương cũng nhiều.

Có thể nói cứ cách một ngày là phải bổ sung quân lính một lần. Và có những đồng chí đồng đội, khi vào chiến trường có thể chưa kịp gặp mặt nhau, nhận tên nhau, quê hương thì đã hy sinh rồi…

Thời điểm đó gian khổ rất nhiều, không chỉ là tính khốc liệt của cuộc chiến, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh, mà còn gian khổ trong sinh hoạt, vệ sinh cá nhân, thời tiết, bệnh tật…

Thế nhưng, lúc bấy giờ, khi trung đoàn được nhận lệnh, quán triệt, là giữ bằng được vị trí chốt giữ tỉnh Quảng Trị không cho địch chiếm đóng nhằm mục đích kìm hãm để Việt Nam ký Hiệp định ngừng bắn với Pháp tại Paris năm 1973.

Với lòng dũng cảm, chiến đấu ngoan cường, anh em đồng đội quyết giữ bằng được dù chỉ là 1 tấc đất. Sự hy sinh rất lớn của thế hệ thanh niên ngày đó vì lý tưởng cách mạng để bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân, để dành độc lập, tự do. Là người lính bộ binh, tôi chỉ biết là chiến đấu và chiến đấu, rất may mắn cho bản thân còn sống sót sau Chiến dịch 81 ngày đêm vô cùng ác liệt ấy.”

Năm 1973, sau khi đất nước ngừng bắn, đến năm 1975, ông Tiệp được điều động vào chiến đấu Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn và đã chiến đấu ở chiến dịch đó. Nghĩ rằng khi kết thúc được về quê hương, năm 1979 Sư đoàn của ông hành quân lên phía bắc bảo vệ biên giới phía Bắc. Đến năm 1987 ông tiếp tục tham gia chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang), sau đó quay về đơn vị công tác. Năm 2003, ông Nguyễn Quang Tiệp được nghỉ chế độ quân đội, về hưu mang quân hàm Đại tá.

Toả sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình

32 năm 9 tháng ở trong quân đội trở về đời thường, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Quang Tiệp chia sẻ thêm: “Về quê hương, ông thấy người dân ở quê còn nghèo, còn nhiều vất vả gian nan, cũng nghĩ rằng đã 50 tuổi, ông muốn chung tay cùng gia đình, người dân xây dựng quê hương Quỳnh Giao giàu đẹp. Được sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, huyện, xã cũng như anh em đồng đội động viên, bản thân đã mang hết sức lực của mình xây dựng cuộc sống mới.”

Sau nhiều ngày trăn trở, năm 2004, CCB Nguyễn Quang Tiệp quyết định tham gia vào mặt trận phát triển kinh tế và thành lập Công ty TNHH Xây dựng - Kinh doanh Tuấn Anh chuyên về lĩnh vực giao thông, thủy lợi, ưu tiên tạo việc làm cho người dân địa phương và con em CCB.

Thuận lợi là công ty duy trì và phát triển ngày càng tốt, tạo được uy tín với đối tác, khách hàng, dần có thương hiệu trong lĩnh vực xây dựng tại Thái Bình.

Ông Nguyễn Quang Tiệp (ngoài cùng bên phải) đang trao đổi công việc với nhân viên của Công ty
Ông Nguyễn Quang Tiệp (ngoài cùng bên phải) đang trao đổi công việc với nhân viên của Công ty

Những năm sau đó, ông nhận thấy đường làng ngõ xóm quê hương nhiều nơi còn lầy lội, đời sống người dân khó khăn trong khi nhân lực địa phương lại dồi dào, tôi đã bàn bạc với lãnh đạo địa phương phải làm gì đó để đổi thay quê hương. Ông Nguyễn Quang Tiệp đã tích cực đi đầu ủng hộ phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương.

“Bản thân đã đóng góp 100% kinh phí làm 1 con đường dài 800m. Một mặt là người cán bộ quân đội nghỉ hưu tôi tuyên truyền người dân đồng thuận đóng góp xây dựng quê hương NTM.

Khi bà con thấy mình vừa nói vừa làm nên bà con rất ủng hộ. Từ đó, đường làng ngõ xóm được mở rộng và bê tông hoá, quê hương ngày càng thay đổi, giao thương đi lại thuận tiện và đời sống người dân đi lên. Ngoài ra, trong công cuộc xây dựng NTM, từ năm 2010 đến nay, mỗi năm ông Tiệp đều trích số tiền 250 triệu đồng từ quỹ phúc lợi xã hội của công ty và gia đình để ủng hộ người nghèo, xây dựng NTM.”

Dù hiện đã 71 tuổi nhưng ông Nguyễn Quang Tiệp vẫn luôn dốc hết sức lực để có đóng góp riêng cho quê hương và đồng đội.
Dù hiện đã 71 tuổi nhưng ông Nguyễn Quang Tiệp vẫn luôn dốc hết sức lực để có đóng góp riêng cho quê hương và đồng đội.

Không chỉ là người CCB, doanh nhân thành đạt, CCB doanh nhân Nguyễn Quang Tiệp hiện đang đảm nhận cương vị là Phó Chủ tịch Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Thái Bình, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh Thái Bình, Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình. Đồng thời, là Chủ tịch Hội doanh nghiệp, cơ sở sản xuất huyện Quỳnh Phụ .

CCB Nguyễn Quang Tiệp luôn suy nghĩ: “Khi tôi thành đạt nghĩ lại đồng đội xưa, những thương bệnh binh khi trái gió trở trời, đau ốm bệnh tật, còn nhiều vất vả. Tôi đã đứng lên vận động mọi người đóp góp tiền của cùng CCB trong huyện, tỉnh, xây, sửa nhà cho CCB khó khăn. Đến nay, đã xây mới hoàn toàn 5 căn nhà tình nghĩa, trong đó 1 căn nhà tặng cho mẹ VNAH, 2 căn nhà cho đồng đội và 2 căn nhà đồng đội CCB trong huyện.

Ông Nguyễn Quang Tiệp (đứng thứ 2 bên trái) đi thăm đồng đội
Ông Nguyễn Quang Tiệp (đứng thứ 2 bên trái) đi thăm đồng đội

Hàng năm, ông Tiệp vận động nhân viên trong công ty ủng hộ 1 ngày lương để sẻ chia khó khăn với người nghèo, người neo đơn… tại địa phương. "Mỗi dịp Tết nguyên đán, tôi đứng lên dành tặng 500 suất quà, mỗi suất trị giá 300 nghìn đồng. Tuy chưa nhiều nhưng đó là tấm lòng, sự sẻ chia của tôi với bà con. Cùng nhau vượt lên trong cuộc sống", ông Tiệp bộc bạch.

Ông Nguyễn Quang Tiệp tặng quà những CCB và hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại quê hương dịp Tết nguyên đán
Ông Nguyễn Quang Tiệp tặng quà những CCB và hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại quê hương dịp Tết nguyên đán

Bên cạnh đó, 10 năm nay, cứ mỗi rằm trung thu, trong chương trình “Vầng trăng cho em”, bản thân đã vận động khối doanh nghiệp trong huyện cùng Hội chữ thập đỏ huyện, mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Quỳnh Phụ, giúp đỡ gia đình nghèo mà học giỏi, bằng tiền, sách vở hay xe đạp, với tổng kinh phí ủng hộ hơn 100 triệu đồng.”

Dù đã bước sang tuổi 71, thế nhưng CCB Nguyễn Quang Tiệp vẫn tâm niệm rằng: Còn sức khoẻ, còn trí lực là còn tiếp tục đóng góp xây dựng quê hương. Có một điều đã khiến ông thêm phấn khởi là đến nay quê hương ông, xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ đã ngày càng giàu đẹp và giờ là xã NTM nâng cao. Đó là niềm vinh dự tự hào riêng của người dân quê ông và của huyện Quỳnh Phụ nói chung. Cũng là thành quả để lại cho thế hệ trẻ của Quỳnh Giao tiếp tục phát huy truyền thống quý báu của cha ông đã gây dựng bao đời.

Phương Thuý