Sáng 27/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo 3 nghị định: Quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở, xây dựng lại nhà chung cư (Nghị định nhà chung cư); quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở (Nghị định chung về nhà ở); quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển, quản lý nhà ở xã hội (Nghị định nhà ở xã hội).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Yêu cầu dự thảo nghị định nhà chung cư phải thể hiện được trách nhiệm của nhà nước trong cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Yêu cầu dự thảo nghị định nhà chung cư phải thể hiện được trách nhiệm của nhà nước trong cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Ưu tiên cho phương án người dân tự thoả thuận với doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, dự thảo Nghị định nhà chung cư gồm 8 chương, 48 điều quy định: Các giai đoạn đầu tư xây dựng dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Di dời, cưỡng chế di dời và bố trí chỗ ở tạm thời cho chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư; Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Bồi thường, tái định cư đối với nhà ở, công trình xây dựng thuộc tài sản công; Thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đối với trường hợp quy gom; Cơ chế ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu dự thảo nghị định nhà chung cư phải thể hiện được trách nhiệm của nhà nước trong cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; tích hợp vào quy hoạch, chỉnh trang đô thị, xây dựng, quy hoạch phân khu, chương trình phát triển nhà ở của địa phương. Đồng thời khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp. Trường hợp những khu chung cư không có nhà đầu tư tham gia thì Nhà nước thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư bằng nguồn vốn ngân sách.

"Quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải sát với thực tiễn. Quy hoạch đô thị, kế hoạch, chương trình phát triển nhà ở phải đi trước một bước", Phó Thủ tướng nói.

Bộ Xây dựng cần đưa ra tiêu chí khoa học, trình tự thủ tục, trách nhiệm, thẩm quyền trong kiểm định, đánh giá, lập danh sách khu chung cư còn thời hạn sử dụng, đã hết hạn sử dụng và có thời hạn thực hiện cải tại, thuộc diện phải di dời khẩn cấp, trong đó ưu tiên hàng đầu là sự an toàn của người dân.

Về quy định lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thông qua việc thoả thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị trường hợp nhà chung cư đã hết hạn sử dụng, hay thuộc diện buộc phải phá dỡ để bảo đảm an toàn thì không cần ý kiến đồng ý của toàn bộ chủ sở hữu, các trường hợp còn lại phải nhận được sự đồng ý của 100% chủ sở hữu.

Trong xác định hệ số quy đổi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện dự án cải tạo, xây lại nhà chung cư, các ý kiến cho rằng vướng mắc lớn nhất là bảo đảm quyền lợi cho các hộ dân sinh sống và kinh doanh, buôn bán ở tầng 1.

Đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nêu thực tế, rất nhiều chung cư không thể thực hiện cải tạo, xây dựng lại do các hộ dân ở tầng 1 không đồng ý thoả thuận với chủ đầu tư do không được bố trí lại nơi ở tại tầng 1.

Đồng tình với kiến nghị này, Phó Thủ tướng cho rằng dự thảo nghị định cần quy định rõ các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư thực hiện tái định cư tại chỗ, ưu tiên các hộ dân ở tầng 1 được mua, thuê diện tích ở tầng 1 để ở, kinh doanh; đồng thời xây dựng bộ tiêu chí xác định hệ số quy đổi diện tích chỗ ở tại chung cư cũ sang chung cư mới như đề xuất của TS. Cấn Văn Lực.

"Ưu tiên cho phương án người dân tự thoả thuận với doanh nghiệp để thực hiện dự án cải tạo, xây dựng nhà chung cư nhưng cơ quan quản lý nhà nước phải giám sát, bảo đảm quyền lợi của người dân khi phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư dự án", Phó Thủ tướng lưu ý và giao Bộ Xây dựng tiếp tục lấy ý kiến địa phương, hiệp hội, chuyên gia để hoàn thiện dự thảo nghị định.

Các chuyên gia, đại diện hiệp hội bất động sản cho rằng không nên giới hạn sự lựa chọn của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại khi đóng tiền thực hiện nghĩa vụ về nhà ở xã hội - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Các chuyên gia, đại diện hiệp hội bất động sản cho rằng không nên giới hạn sự lựa chọn của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại khi đóng tiền thực hiện nghĩa vụ về nhà ở xã hội - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Xã hội hoá hoạt động đánh giá, phân hạng chung cư

Thảo luận một số điểm có ý kiến khác nhau của dự thảo nghị định chung về Luật Nhà ở, cơ quan soạn thảo tiếp thu, bổ sung điều kiện sở hữu nhà ở của người nước ngoài: Thời gian sinh sống, hoặc thời hạn cấp thị thực ở Việt Nam; nghề nghiệp, công việc ổn định tại Việt Nam; nguồn thu nhập; đồng thời bổ sung quy định đối với người nước ngoài lấy vợ, chồng là người Việt Nam.

Đại diện Bộ Công an đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh lý quy định xử lý chuyển tiếp đối với trường hợp có thay đổi về yêu cầu khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh thì tổ chức, cá nhân nước ngoài phải chuyển nhượng nhà ở cho cá nhân, tổ chức người Việt Nam hoặc trong trường hợp không có tổ chức, cá nhân người Việt Nam mua thì Nhà nước sẽ thực hiện thu hồi, bồi thường, tái định cư theo pháp luật về đất đai, bảo đảm quyền, nghĩa vụ của các bên.

Về quy định huy động vốn, đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đề nghị Bộ Xây dựng thể chế hoá hình thức huy động vốn theo chứng chỉ quỹ, điều kiện huy động các nguồn vốn hợp pháp khác như yêu cầu của Luật Nhà ở.

Liên quan đến quy định phân hạng nhà chung cư, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu nguyên tắc Bộ Xây dựng chỉ quy định các nhóm tiêu chí về sử dụng năng lượng (xanh, sạch, hiệu quả, tiết kiệm), không gian (xanh, thân thiện với môi trường), kiến trúc, chất lượng nước, không khí, quản trị thông minh, tiện nghi, an toàn…; khuyến khích doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án chung cư đã hoàn thành, đang vận hành (không phân biệt chung cư thương mại hay nhà ở xã hội), đăng ký tham gia các cuộc thi trong nước, quốc tế về do các tổ chức, hiệp hội có uy tín trong và ngoài nước tổ chức.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Xây dựng khẩn trương tiếp thu, rà soát, hoàn thiện dự thảo các nghị định quy định, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, trình Thủ tướng Chính phủ đúng thời hạn - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Xây dựng khẩn trương tiếp thu, rà soát, hoàn thiện dự thảo các nghị định quy định, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, trình Thủ tướng Chính phủ đúng thời hạn - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đã nộp tiền sử dụng đất sẽ được hoàn trả

Cho ý kiến về quy định thực hiện nghĩa vụ về nhà ở xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại ở trong dự thảo Nghị định nhà ở xã hội, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu kiến nghị cơ quan soạn thảo làm rõ việc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội ngoài phạm vi dự án nhà ở thương mại phải có giá trị sử dụng tương đương tối thiểu 20% tổng diện tích đất ở của dự án nhà ở thương mại; bỏ quy định giới hạn lựa chọn của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại khi thực hiện đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để xây nhà ở xã hội.

Ghi nhận ý kiến của đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, việc đầu tư, xây dựng nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ riêng lẻ với mục đích để bán, cho thuê mua, cho thuê phải quản lý chặt chẽ về các quy chuẩn tiêu chuẩn thiết kế kỹ thuật an toàn về phòng cháy, chữa cháy như chung cư nhưng không được làm phát sinh thủ tục, hay lập dự án đầu tư như xây dựng chung cư.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu phương án, cơ chế, nguồn vốn thực hiện quy định hoàn trả hoặc khấu trừ tiền sử dụng đất đối với trường hợp chủ đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất, hoặc đang có quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Theo baochinhphu.vn