Theo đó, cổ phiếu SCD bị hủy niêm yết do CTCP Nước giải khát Chương Dương có kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục, tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp (85 tỷ đồng) và vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.
Ngày giao dịch cuối cùng đến 3/5/2024 và ngày hủy niêm yết có hiệu lực từ ngày 5/5/2024.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch cuối ngày 5/4, cổ phiếu SCD giảm 4,13% và đóng cửa ở mức 11.600 đồng. Tính từ đầu năm đến nay, thị giá SCD giảm 22,67%, trong đó giá đóng cửa cao nhất là 16.100 đồng/cổ phiếu (ngày 26/1) và giá đóng cửa thấp nhất là 11.600 đồng/cổ phiếu (ngày 5/4/).
Trong báo cáo tài chính kiểm toán vừa được công bố, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của SCD năm 2023 chỉ đạt hơn 141 tỷ đồng, giảm 21,43% so với con số thực hiện của năm 2022. Lỗ thuần sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023 là hơn 119 tỷ đồng, trong khi số lỗ thuần sau thuế năm 2022 chỉ gần 49 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo CTCP Nước Giải Khát Chương Dương, bất chấp những nỗ lực không ngừng nhằm cắt giảm và tối ưu hóa chi phí hoạt động, mức lỗ năm 2023 của CTCP Nước Giải Khát Chương Dương cao hơn năm 2022.
Hoạt động kinh doanh của công ty tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do chi phí đầu vào tăng cao cộng với điều kiện kinh tế bên ngoài khó khăn, nhu cầu vẫn thấp hơn dự kiến với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Chi phí hoạt động cao hơn là do chi phí nguyên vật liệu đầu vào từ đường tinh luyện, lon nhôm tăng, trong bối cảnh chi phí thuê đất tăng cũng như các chi phí hoạt động thuê dịch vụ bên ngoài cao đã làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
CTCP Nước giải khát Chương Dương tiền thân là nhà máy Usine Belgique thuộc Tập đoàn B.G.I (Pháp). Đây là nhà máy sản xuất nước giải khát lớn nhất miền Nam giai đoạn trước năm 1975.
Giữa năm 1977, Tập đoàn B.G.I chính thức chuyển nhượng quyền sở hữu và bàn giao toàn bộ nhà máy cho nhà nước với tên gọi Nhà máy nước ngọt Chương Dương.
Năm 2004, CTCP Nước giải khát Chương Dương chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và niêm yết tại HoSE vào năm 2006.
CTCP Nước giải khát Chương Dương hiện đang sản xuất và kinh doanh các loại sản phẩm nước giải khát có gas, rượu nhẹ, nước tinh khiết. Sản phẩm thế mạnh của công ty là mặt hàng nước sá xị (chiếm trên 74% doanh thu) rất được ưa chuộng tại miền Nam.
Minh An (t/h)