Với khả năng sản xuất điện tái tạo gấp 7 lần so với nhu cầu tiêu dùng của khu vực, Trung tâm Năng lượng chung có thể đưa các nước vùng Baltic trở thành các quốc gia đóng góp chính cho các mục tiêu giảm phát thải carbon của Châu Âu.

Ngoài việc tăng cường sự độc lập về năng lượng trong khu vực, Trung tâm Năng lượng Baltic cũng sẽ thúc đẩy sản xuất năng lượng xanh, cũng như các sản phẩm năng lượng mới như hydro xanh ở quy mô lớn và giá cả phải chăng.

Ảnh minh họa: Eng.lsm.lv
Ảnh minh họa: Eng.lsm.lv

Bộ trưởng Bộ Năng lượng Litva Kreivys cho rằng, nếu kế hoạch thành lập Trung tâm năng lượng chung trở thành hiện thực, các nước vùng Baltic có thể  đóng vai trò lớn hơn trong thị trường năng lượng Châu Âu. Trung tâm năng lượng này có thể sẽ kích thích tăng trưởng năng lượng tái tạo, thu hút các ngành công nghiệp đang tìm kiếm giải pháp năng lượng bền vững và điều này sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho toàn bộ khu vực.

Trong khi đó Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Latvia Melnis nhấn mạnh, các nước Baltic rất giàu tài nguyên thiên nhiên, có tiềm năng rất lớn để sản xuất năng lượng xanh bằng cách cung cấp mức giá thấp hơn cho người dân và doanh nghiệp, đảm bảo khả năng cạnh tranh trong khu vực và trở thành đối tác xuất khẩu năng lượng ổn định và bền vững sang Châu Âu.

Giới chuyên gia cho rằng, sáng kiến ​​Trung tâm Năng lượng Baltic thể hiện tầm nhìn chung về tăng trưởng bền vững, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng ở khu vực Bắc Âu. Việc thành lập Trung tâm này cũng sẽ giúp các nước Baltic tăng cường khả năng phục hồi, cũng như đóng góp cho các mục tiêu về khí hậu của Châu Âu.

Như Hoa VOV.vn