Căng thẳng trên bản bán đảo Triều Tiên gia tăng
Những nỗ lực đàm phán trước đây dường như không thu được bất kỳ kết quả nào đáng khích lệ và cho tới nay, bài toán Triều Tiên vẫn chưa thể tìm ra lời giải. Tuy vậy, nếu Mỹ quyết định “động binh” thì điều đó có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh tàn phá trên bán đảo Triều Tiên mà kết quả rõ ràng là không có lợi cho tất cả các bên liên quan. Nên chính sách của Mỹ đối với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên luôn là chủ đề nóng được tất cả các bên liên quan và dư luận chung quan tâm theo dõi.
Ngày 26/5/2017, đặc phái viên của Mỹ về chính sách Triều Tiên, ông Joseph Yun trong cuộc trao đổi với một nhóm quan chức Hàn Quốc đã chia sẻ vắn tắt về chính sách của chính quyền Tổng thống Trăm đối với Triều Tiên. Theo đó, Tổng thống Đô-nan Trăm đã ký phê duyệt kế hoạch chính sách 4 điểm về giải quyết vấn đề Triều Tiên, do Bộ Ngoại giao đệ trình. Bản kế hoạch 4 điểm chính này gồm: (1) không công nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân; (2) gây mọi sức ép, áp đặt mọi lệnh trừng phạt có thể với Triều Tiên; (3) không thay đổi chế độ ở Triều Tiên; (4) giải quyết vấn đề thông qua đối thoại.
Trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La 16 diễn ra ngày 03/6/2017 tại Xinh-ga-po, chính sách mới của Mỹ đối với Triều Tiên nhận được sự ủng hộ của nhiều nước đồng minh trong khu vực. Nữ Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản - bà Tô-mô-mi I-na-đa khẳng định: “Mối đe dọa đối với khu vực liên quan đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã bước sang 1 giai đoạn mới. Mỹ và Nhật Bản đang tăng cường phối hợp hơn nữa để giải quyết vấn đề này. Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ lập trường của Mỹ”. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Giêm Mát-tít thì nói rõ thêm: “Trung Quốc đã tái cam kết sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế để hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi tin rằng, Trung Quốc sẽ hối thúc Triều Tiên thực hiện trách nhiệm của họ trước luật pháp quốc tế. Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với các nước để gia tăng sức ép từ các lệnh trừng phạt kinh tế và ngoại giao với Triều Tiên.”
Vậy, điều gì khiến ông Đô-nan Trăm không thể thực hiện quan điểm sẽ đảo ngược chính sách "tái cân bằng" ở châu Á - Thái Bình Dương của cựu Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma mà ông đưa ra khi tranh cử ?
Giới phân tích quốc tế cho rằng, còn những “ẩn số” mà Mỹ chưa thể áp dụng được các biện pháp quân sự mạnh với Triều Tiên. Cụ thể là:
Thực lực tiềm năng vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên là thực tế
Theo tạp chí Newsweek, Triều Tiên có các lực lượng trên bộ lớn nhất thế giới, ngoài 1,19 triệu quân nhân thường trực và khoảng 7,7 triệu lính dự bị được huấn luyện, nước này còn có 3.500 xe tăng chiến đấu, 72 tàu ngầm, 302 trực thăng, 563 máy bay chiến đấu và 21.100 khẩu pháo. Các số liệu này đưa quân đội Triều Tiên vào danh sách mạnh nhất hành tinh. Một chuyên gia Mỹ nhận định, chính quyền của ông Kim Jong Un chỉ có một bước nữa là đạt tới mức phát triển được một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu nổ hạt nhân (ICBM).
Nếu “tấn công phủ đầu” có thể xảy ra chiến tranh hạt nhân gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với các đồng minh của Mỹ (Nhật Bản, Hàn Quốc)
Mỹ có thể lựa chọn biện pháp tấn công phủ đầu để xóa sổ các bệ phóng tên lửa hạt nhân của Triều Tiên, nhưng phương án tác chiến này đòi hỏi họ phải huy động một lực lượng khí tài quân sự khổng lồ xung quanh bán đảo với quy mô lớn đến mức gần như không tưởng. Vì theo các chuyên gia quân sự, không phải mọi vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đều nằm trên mặt đất. Có những loại có thể được cất giấu trong hầm ngầm sâu trong những dãy núi, buộc Mỹ chỉ có cách duy nhất là sử dụng bom hạt nhân mới có thể phá hủy được.
Áp lực của Trung Quốc đối với Triều Tiên (như đã cam kết) chưa thực sự hiệu quả
Trung Quốc cũng tỏ rõ những cố gắng gây sức ép với Triều Tiên về vấn đề hạt nhân khi Global Times, phụ san của People's Daily - cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, viết rằng: "Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân là lập trường kiên định của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ không kiên nhẫn thêm nữa". Tờ này nhấn mạnh rằng nếu Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân thì Bắc Kinh sẽ đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, diễn biến tình hình đến nay cho thấy, bản thân Tổng thống Đô-nan Trăm cũng phải thừa nhận cách tiếp cận đối với Triều Tiên thông qua Trung Quốc đã thất bại và giờ nước Mỹ sẽ phải thay đổi chiến lược. Viết trên trang Twitter cá nhân hôm 20/6/2017, Tổng thống Trăm nói: “Tôi đánh giá cao những nỗ lực hỗ trợ của Chủ tịch Tập Cận Bình và Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên nhưng chúng đã không có tác dụng. Ít nhất tôi biết Trung Quốc đã cố gắng!”.
Nam Anh