Chiều 31/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Ảnh quochoi.vn

Đề nghị, giữ nguyên phạm vi hưởng như lộ trình thông tuyến khám chữa bệnh BHYT hiện nay

Đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình:Thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo hiểm Y tế và đề xuất thông qua Luật này theo quy trình 1 kỳ họp, đại biểu Trần Khánh Thu cho biết, dự thảo luật có những điều khoản sẽ có hiệu lực ngay từ ngày 1/1/2025 nên có thể có những văn bản quy định thường có hiệu lực ngay dẫn đến khó khăn cho các cơ sở y tế. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét những gì quy định được trong Luật thì cố gắng quy định cụ thể và khẩn trương hoàn thiện các dự thảo quy định hiện giao cho các cấp.

Đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng, cơ chế thông tuyến cho phép người bệnh đến KCB ở cơ sở khác không cần giấy chuyển tuyến. Mặc dù điều này nghe có vẻ hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) tiếp cận dịch vụ thuận lợi hơn; nhưng có thể sẽ bỏ qua cơ hội phát hiện sớm một số triệu chứng bệnh do người bệnh đã bỏ qua chăm sóc sức khỏe ban đầu để lên khám chữa bệnh (KCB) tại tuyến cao hơn, kể cả trong trường hợp không cần thiết. Điều này sẽ dẫn đến giảm hiệu suất; thậm chí phá vỡ phân cấp chuyên môn của hệ thống y tế. 

Các số liệu thống kê cho thấy, xu hướng người bệnh dịch chuyển sang tuyến huyện và tỉnh ngay từ năm đầu tiên thực hiện “thông tuyến” (năm 2016 thông tuyến huyện; Tỷ lệ lượt KCB tuyến huyện từ 43,3% ở năm 2015 đã tăng lên, trên 60% vào năm 2023. Trong khi đó, tuyến xã giảm từ 27,6% năm 2015 xuống còn khoảng 13,7% năm 2023 và năm 2021 thông tuyến tỉnh đối với dịch vụ KCB nội trú, tỷ lệ lượt KCB thông tuyến nội trú tại tuyến tỉnh đã tăng từ 30,5% năm 2021 lên trên 40% năm 2023 nhưng chi phí sẽ tăng lên.

Đại biểu cũng phân tích, nếu quy định như dự thảo luật, hệ thống y tế cơ sở sẽ dần bị suy yếu, thậm chí sẽ đứt gãy và các mục tiêu của Nghị quyết 20; Chỉ thị 25 có nguy cơ không đạt được; gây lãng phí nguồn lực và công sức đã đầu tư cho y tế cơ sở trong suốt thời gian qua.

Các đại biểu tại phiên thảo luận. Ảnh quochoi.vn
Các đại biểu tại phiên thảo luận. Ảnh quochoi.vn

Đại biểu phân tích nguyên nhân bức xúc của người bệnh đi khám chữa bệnh BHYT vì khó khăn trong quá trình xin giấy chuyển tuyến của nhóm đối tượng bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo hoặc danh mục thuốc tại y tế cơ sở ít và nghèo nàn hơn so với tuyến trên trong khi điều trị cùng 1 bệnh. 

Bản chất quy định chuyển tuyến có ý nghĩa quan trọng, cần thiết trong việc xử lý KCB cho người dân; Giấy chuyển tuyến ngoài cung cấp các thông tin hành chính còn cung cấp tình trạng bệnh, lịch sử điều trị.., giúp cơ sở tiếp nhận có thông tin kịp thời về người bệnh để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị người bệnh được nhanh chóng, thuận tiện.

Chính vì vậy đại biểu đề nghị, giữ nguyên phạm vi hưởng như lộ trình thông tuyến KCB BHYT hiện nay nhưng điều chỉnh bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành định nghĩa bệnh hiếm và danh mục bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm được sử dụng giấy chuyển tuyến 1 lần dùng trọn quá trình điều trị chứ không phải có thời hạn trong năm tài chính như hiện nay. 

Tiếp tục tăng cường củng cố năng lực cho hệ thống y tế cơ sở để có thể thực hiện điều trị cấp thuốc điều trị ngoại trú cho một số bệnh mạn tính đồng nhất trên các cấp chuyên môn các cơ sở y tế. Tăng cường các quy định giải quyết triệt để các bức xúc trong quá trình cấp giấy chuyển tuyến.

Xác định lập Quỹ bảo hiểm xã hội với nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả

Đại biểu Tô Ái Vang, Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cho biết, thời gian qua, chính sách bảo hiểm y tế nói chung, và chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) trong quân đội nói riêng đã thể hiện tính nhân văn trong công tác an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta, chăm lo sức khỏe ngày càng tốt hơn không chỉ đối với quân nhân, mà còn quan tâm, chăm lo sức khỏe cho thân nhân của dân quân thường trực, góp phần tạo động lực mạnh mẽ, giúp bộ đội yên tâm công tác, gắn bó và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đại biểu cho rằng, với quan điểm bảo hiểm y tế xã hội là chính sách an sinh xã hội, Nghị quyết 28 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội cũng đã xác định lập Quỹ bảo hiểm xã hội với nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả. 

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu tranh luận tại Phiên thảo luận. Ảnh quochoi.vn.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu tranh luận tại Phiên thảo luận. Ảnh quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, đề xuất có hội đồng giám định chuyên môn là ý tưởng hay nhưng hiện nay không thể thực hiện được. Theo đại biểu, khối lượng công việc liên quan tới giám định rất lớn nên không đủ bác sĩ chuyên môn tham gia hội đồng.

Đại biểu cũng cho rằng phải nhìn thẳng vào nguyên nhân tại sao có nhiều bất cập, vướng mắc tranh cãi trong việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đó là chưa có văn bản quy phạm pháp luật để quy định khoản 6 Điều 2 về giám định bảo hiểm y tế. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định Bộ Y tế ban hành quy định tiêu chí, nội dung đánh giá sự hợp lý của dịch vụ y tế cung cấp cho người tham gia bảo hiểm y tế để làm cơ sở giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Tăng cường vai trò của Bộ Y tế trong quản lý giám định bảo hiểm y tế 

Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, cần tăng cường vai trò của Bộ Y tế trong quản lý giám định bảo hiểm y tế. Hiện nay, theo khoản 6, Điều 2 Luật Bảo hiểm y tế, giám định bảo hiểm y tế là hoạt động chuyên môn nhằm đánh giá sự hợp lý của dịch vụ bảo hiểm y tế do tổ chức bảo hiểm y tế tiến hành.

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho biết, hiện nay đang thiếu các quy định cụ thể về quy trình, tiêu chí giám định, dẫn đến bất cập, gây áp lực cho các bệnh viện, khiến tình trạng trễ hạn thanh toán chi phí xảy ra khá phổ biến trong thực tế. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam năm 2023 có 30% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gặp tình trạng chậm thanh toán vì thiếu rõ ràng trong quy định về giám định y tế. 

Để giải quyết vấn đề này, đại biểu đề xuất bổ sung quy định trong Luật Bảo hiểm y tế yêu cầu Bộ Y tế ban hành các tiêu chí và hướng dẫn chi tiết về giám định y tế giúp thống nhất quy trình đánh giá và phối hợp hiệu quả giữa cơ quan bảo hiểm xã hội với ngành y tế. Quy định này không chỉ đảm bảo tính minh bạch, nhất quán, mà còn tránh gây chậm trễ trong việc thanh toán chi phí cho cơ sở y tế và người bệnh. 

Ngoài ra, đại biểu cho biết, trong tình hình hiện tại, tình trạng thiếu hụt thuốc, vật tư y tế khiến nhiều bệnh nhân bảo hiểm y tế phải tự mua, ảnh hưởng tới quyền lợi, tài chính cá nhân của người bệnh. Đại biểu đề xuất bổ sung Điều 43 của Luật Bảo hiểm y tế quy định: cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải chịu trách nhiệm đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư y tế cần thiết cho người bệnh bảo hiểm y tế. Nếu người bệnh phải mua ngoài, cơ sở y tế có trách nhiệm hoàn trả chi phí trước khi bệnh nhân xuất viện. Quy định này giúp đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân bảo hiểm y tế ngay tại cơ sở y tế, giảm thủ tục hành chính không cần thiết, rút ngắn thời gian xử lý chi phí.

Đại biểu tại Phiên thảo luận. Ảnh quochoi.vn
Đại biểu tại Phiên thảo luận. Ảnh quochoi.vn

Nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Ban soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng hơn về việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế…

Theo đó, việc mở rộng nhiều đối tượng để hưởng bảo hiểm y tế là rất cần thiết và theo nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cân nhắc quy định người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu và thân nhân của họ thuộc đối tượng người lao động và người sử dụng lao động đóng bảo hiểm y tế. Bởi vì những người nằm trong tổ chức cơ yếu có nhiều đối tượng khác nhau. Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị chỉ người làm nhiệm vụ cơ yếu và thân nhân của họ là thuộc đối tượng được sử dụng người lao động đóng bảo hiểm. Còn đối tượng khác là không thuộc diện phải bao cấp đóng bảo hiểm y tế để cho bình đẳng với các đối tượng khác.

Ngoài ra, về mở rộng thêm phạm vi đối tượng là dân quân thường trực là thân nhân của họ, trước đây lực lượng dân quân thường trực không có chế độ. Sau khi có Luật Dân quân tự vệ thì đối với lực lượng dân quân tự vệ đã có chế độ, bồi dưỡng hàng tháng và đã có đóng bảo hiểm xã hội. Do đó, việc thêm thân nhân của đối tượng dân quân tự vệ được hưởng bảo hiểm xã hội là không hợp lý.

Bổ sung thêm nhóm đối tượng thân nhân của lực lượng quân nhân thường trực được hỗ trợ mức đóng BHYT

Góp ý về đối tượng hưởng hỗ trợ từ NSNN, ngoài các nhóm đối tượng được bổ sung quy định trong dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị bổ sung thêm nhóm đối tượng thân nhân của lực lượng quân nhân thường trực. 

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương. Ảnh quochoi.vn.

“Vì lực lượng này đóng vai trò quan trọng và làm nhiệm vụ tại các địa bàn trọng yếu để bảo vệ quốc gia, biên giới, hải đảo. Họ rất vất vả trong việc bảo vệ an ninh Tổ quốc. Để lực lượng này an tâm làm nhiệm vụ, tôi đề nghị thân nhân của lực lượng này được hỗ trợ mức đóng BHYT từ NSNN, đại biểu nêu kiến nghị. 

Tại điểm d, khoản 3, Điều 22 sửa đổi tại khoản 15, Điều 1 dự thảo Luật quy định người tham gia BHYT tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu được Quỹ BHYT thanh toán theo tỷ lệ từ ngày 1/1/2025 thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú theo tỷ lệ phần trăm mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều này và không thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú”.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị cần xác định những trường hợp điều trị nội trú được phép thông tuyến tỉnh nhằm giới hạn những bệnh được phép thông tuyến, đảm bảo sự sàng lọc và điều trị hiệu quả từ cơ sở, hạn chế tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế tuyến trên, từ đó nâng cao chất lượng khám, điều trị chuyên sâu và chăm sóc sức khỏe cho người bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh BHYT thuộc cấp khám, chữa bệnh cơ bản, chuyên sâu.

Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị tiếp tục quan tâm, có chính sách chú trọng nâng cao năng lực của y tế tuyến cơ sở, đầu tư nguồn lực, bố trí việc làm với chế độ, chính sách tương xứng; cải tiến cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đáp ứng kịp thời yêu cầu khám, chữa bệnh cũng như điều chỉnh việc quy định cho phép thông tuyến khám bệnh BHYT như hiện nay. Đồng thời tăng cường vai trò của y tế tuyến cơ sở để góp phần chia sẻ áp lực với các cơ sở y tế tuyến trên và tuyến chuyên môn kỹ thuật cao. 

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cũng đề nghị xem xét bổ sung quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh tại Điều 43 của Luật BHYT, cụ thể Người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh chịu trách nhiệm đảm bảo đầy đủ, kịp thời thuốc, thiết bị y tế cho người bệnh trong phạm vi quyền lợi được hưởng, đồng thời quy định trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế  vì lý do khách quan là cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm thăm khám cho người bệnh các chi phí thuốc, vật tư y tế mà người bệnh phải tự mua theo quy định của y, bác sĩ trước khi hoàn tất thủ tục ra viện, tổng hợp thanh toán và chịu trách nhiệm về hồ sơ đề nghị thanh toán với cơ quan BHXH.

PV (lược ghi)