Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn Nguyễn Đình Đại cho biết: Trên thực tế, xuất khẩu hàng hóa địa phương còn đang gặp phải một số khó khăn như: Sản phẩm xuất khẩu đa phần là nông lâm sản, chất lượng chưa thực sự đồng đều, hàm lượng chế biến chưa cao; Trung Quốc vẫn đang là thị trường có ảnh hưởng lớn tới xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và của tỉnh Lạng Sơn nói riêng, nhưng trái cây chủ lực của tỉnh Lạng Sơn đến nay chưa nằm trong danh sách các loại quả mà Trung Quốc cho phép nhập khẩu từ Việt Nam; cùng với đó, mức độ cạnh tranh trên thị trường quốc tế ngày càng gay gắt hơn về giá cả, mẫu mã, chất lượng... và chính sách nhập khẩu của các thị trường nông sản cũng ngày càng chặt chẽ với nhiều quy định về kiểm tra hàng hóa, quản lý vệ sinh và an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.

Giám đốc Sở Công thương Lạng Sơn Nguyễn Đình Đại phát biểu khai mạc hội nghị
Giám đốc Sở Công thương Lạng Sơn Nguyễn Đình Đại phát biểu khai mạc hội nghị

Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn nhấn mạnh: Để nông sản địa phương có thể vươn xa ra thị trường thế giới, chúng ta cần phải nắm vững các quy định kỹ thuật, chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu, đồng thời nâng cao hiểu biết về các thị trường ngách, thị trường tiềm năng khác, xây dựng các mối quan hệ hợp tác ổn định với các đối tác để tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm.

Thông tin tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã thông tin về tình hình xuất khẩu nông sản trong nước. Theo đó, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp năm 2023 đạt 3,83%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt trên 11 tỷ USD, đạt mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước.

Trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt 40,08 tỷ USD; xuất siêu ngành nông nghiệp đạt 11,8 tỷ USD, tăng 68,4% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là những con số chiếm tỷ trọng lớn trong xuất siêu của nền kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương phát biểu tại hội nghị
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương phát biểu tại hội nghị

Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cũng nêu ra những khó khăn, thách thức còn tồn đọng ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu như: các hình thức tổ chức và liên kết sản phẩm hiệu quả chưa ổn định; tình trạng nhập lậu sản phẩm đầu vào ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân, lợi nhuận của doanh nghiệp; tác động của giá vật tư, nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao.

Các đại biểu cũng được nghe báo cáo viên truyền tải một số nội dung liên quan đến quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh tại thị trường các nước: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản….; cập nhật thông báo dự thảo biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); giải pháp đáp ứng an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật khi xuất khẩu nông sản…

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản; đồng thời được các báo cáo viên giải đáp một số vướng mắc liên quan đến quy định về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và quy định về chất lượng, đóng gói, nhãn mác, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường các nước…

Thông qua hội nghị, các đại biểu đã được cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình xuất khẩu nông sản hiện nay và đánh giá xu hướng xuất khẩu nông sản trong thời gian tới, phổ biến các quy định của một số thị trường trọng điểm đối về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật, đồng thời trao đổi một số giải pháp xúc tiến thương mại, kết nối hiệu quả với các đối tác nước ngoài. Hướng tới việc xuất khẩu nông sản đặc trưng của Lạng Sơn vươn ra thị trường quốc tế.

Triệu Thành