Tham gia góp ý về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, các ĐBQH nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm bảo đảm chống “đóng băng” tài sản, thất thoát, hao hụt giá trị của vật chứng, tài sản; kịp thời thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước và khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.
Các đại biểu cũng góp ý, bổ sung một số nội dung nhằm đảm bảo luật được xây dựng chặt chẽ và sát thực tiễn để thuận lợi trong quá trình thực hiện khi luật ban hành, có hiệu lực như: Việc xử lý vật chứng ở giai đoạn tiền tố tụng; quy định thời điểm xem xét, xử lý vật chứng, tài sản được thực hiện theo đúng Kết luận số 87-KL/TW khi đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử; nguyên tắc áp dụng các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản...
Tham gia góp ý, ĐBQH Phạm Thị Xuân, công chức Huyện ủy Quan Hóa (Đoàn ĐBQH Thanh Hóa) thống nhất với sự cần thiết ban hành nghị quyết; đồng thời cho rằng việc ban hành Nghị quyết phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng trong thực hiện các chính sách pháp luật mới.
Đại biểu đề nghị cần quy định thời điểm xem xét xử lý vật chứng tài sản được thực hiện như trong Kết luận số 87-KL/TW, đó là khi đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Đại biểu cũng cho rằng, việc dự thảo Nghị quyết quy định tòa án áp dụng các biện xử lý vật chứng, tài sản trong suốt quá trình giải quyết nguồn tin tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử phải có sự thống nhất của các cơ quan tiến hành tố tụng trước khi ra quyết định. Tuy nhiên, quy định như dự thảo Nghị quyết là trái với nguyên tắc độc lập xét xử của toà án được ghi nhận trong Hiến pháp và Bộ Luật tố tụng Hình sự. Cần xem xét quyết định của toà án về xử lý vật chứng, tài sản đã có cơ chế khiếu nại, kiến nghị, kháng cáo, kháng nghị; xem xét giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm điều tra; trách nhiệm bồi thường thiệt hại...
ĐBQH Cao Mạnh Linh (Đoàn ĐBQH Thanh Hoá), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị cần bổ sung một số các điều kiện đối với nhóm biện pháp xử lý tài sản trong việc tạm dừng giao dịch, chuyển nhượng đối với các tài sản liên quan đến vụ án, vụ việc. Cần quy định rõ việc áp dụng xử lý vật chứng, tài sản các trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường...
Tham gia góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, các ĐBQH thống nhất cao với sự cần thiết ban hành các dự án luật; đồng thời góp ý, bổ sung một số nội dung nhằm đảm bảo luật được xây dựng chặt chẽ và sát thực tiễn để thuận lợi trong quá trình thực hiện khi luật ban hành, có hiệu lực.
Tham gia góp ý, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh uỷ viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hoá thống nhất cao với sự cần thiết tiến hành sửa đổi các dự án Luật. Đồng thời khẳng định, đây là những nội dung quan trọng nên cần phải sửa đổi để tháo gỡ những vấn đề đang bất cập ở thực tiễn.
Góp ý về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng, việc sửa đổi Điều 6 tại dự án Luật để nói lên mối quan hệ giữa quy hoạch cấp quốc gia và hệ thống quy hoạch quốc gia; trong đó đề cập đến quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, phù hợp với tổng thể quốc gia. Tuy nhiên dự thảo luật cần quy định cụ thể mối quan hệ giữa các loại quy hoạch.
Nên quy định để phân cấp cho UBND tỉnh xin ý kiến các cơ quan, các ngành có liên quan, cũng như phân cấp cho HĐND tỉnh nghị quyết về chủ trương điều chỉnh quy hoạch thay vì việc phải báo cáo với Chính phủ để quyết định chủ trương điều chỉnh. Cần cân nhắc thêm việc thực hiện thuế thu nhập chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; đồng thời cần quy định rõ quỹ chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu do đơn vị nào thành lập...
Phát biểu kết luận tại tổ, ĐBQH Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, các ý kiến của các ĐBQH đều đánh giá cao sự chuẩn bị đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp. Các ý kiến là xác đáng, xuất phát từ tình hình thực tiễn ở địa phương, đơn vị. Đây là cơ sở để Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, hoàn chỉnh các dự án luật, dự thảo nghị quyết.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị thư ký hội nghị tập hợp đầy đủ ý kiến của các ĐBQH để chuyển đến các cơ quan chủ trì soạn thảo theo quy định.
Khánh An