Cụ thể, về kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 và năm 2025, Đại biểu Vương Thị Hương cho biết, kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương năm 2025 còn lại chưa giao theo Quyết định số 1535 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên tại văn bản số 822 ngày 8/10/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc dự kiến kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2025, trong đó thông báo vốn ngân sách địa phương cho tỉnh Hà Giang đã bị giảm 383,5 tỷ đồng.
Đại biểu Vương Thị Hương cho rằng, Hà Giang là một tỉnh miền núi, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn và với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cắt giảm như trên sẽ gây khó khăn cho tỉnh Hà Giang trong việc cân đối bố trí vốn với các dự án đã quyết định đầu tư.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét giao đủ kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương theo vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo đúng Quyết định số 1535 của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/9/2021.
Về Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 đoạn qua tỉnh Hà Giang, đại biểu Vương Thị Hương nêu rõ, dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào dự án trọng điểm quốc gia tại Quyết định số 1166 ngày 10/10/2023 và dự án được thực hiện trong Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Hà Giang có chiều dài là 27,48km.
Tuy nhiên, đại biểu Vương Thị Hương chỉ rõ, hiện nay nhu cầu về đất san lấp, vật liệu xây dựng trong các dự án, nhất là dự án cao tốc là rất lớn nhưng nguồn cung không thể đáp ứng do Luật Khoáng sản quy định tài nguyên đất hay đất đồi, đất san lấp là khoáng sản.
Trong khi đó, trình tự, thủ tục liên quan đến việc cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định hiện hành còn rườm rà và tốn nhiều thời gian của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các tổ chức, cá nhân đang sở hữu giấy phép.
“Các vướng mắc này dẫn đến thiếu hụt nguồn thu đất, gia lấp, ảnh hưởng đến biến độ thi công và giải ngân vốn các của các phương án không giải quy định”, đại biểu nhận định.
Ngoài ra, theo đại biểu Vương Thị Hương, việc các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa chỉ từ 1 mét vuông vẫn phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường là không cần thiết và gây tăng thêm thủ tục cho các dự án, nhất là đối với dự án giao thông nông thôn. Công tác chuyển đổi đất rừng, quy hoạch sử dụng đất để triển khai thực hiện các dự án cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xác định từng loại đất.
Vì vậy, đại biểu Vương Thị Hương kiến nghị, đề xuất Quốc hội, Chính phủ cho phép địa phương được giao làm cơ quan chủ quản dự án thực hiện các nội dung thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc thiết kế kỹ thuật, dự toán.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay có những bất cập như thiếu đất để san lấp, do theo quy định thì đất là khoáng sản, nên phải thực hiện theo quy trình chung đối với khoáng sản.
Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần sửa đổi quy định cho phù hợp, hoặc nếu vẫn giữ quan điểm cũ thì cần quy định cấp đất, cấp mỏ cho các nhà thầu thi công tuyến đường chỉ để xây dựng tuyến đường, cấm bán ra ngoài, đóng mỏ ngay sau khi hoàn tất công việc thi công. Chính phủ sẽ trình cấp có thẩm quyền để quyết định việc sửa đổi, bổ sung quy định này.
An Nguyên (t/h)