THCL Quy định cấm giết mổ gia cầm trong nội thành đã được UBND TP. Hà Nội ban hành 9 năm qua. Song dường như quy định này chỉ “có cho đẹp”, bởi thực tế hoạt động giết mổ gia cầm vẫn ngang nhiên diễn ra tại khắp các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn.
Tình trạng giết mổ gia cầm vẫn diễn ra tại khắp các chợ
Tràn lan vi phạm
Tại chợ cóc trên phố Cầu Mới (giáp chợ Ngã Tư Sở), một khu vực buôn bán gia cầm khá sầm uất. Ngay trước mặt các cửa hàng bán gia cầm là bãi lông gà, vịt, ngan… đen kịt, ruồi nhặng bu đầy. Tại mỗi quầy hàng, tình trạng giết mổ gia cầm sống vẫn diễn ra hàng ngày. Các loại gà, vịt được cắt tiết và vứt thẳng xuống nền gạch để mổ, sau đó được “trưng bày” trên các bao tải hoặc những chiếc mâm để sát mặt đường, chờ khách đến mua.
Tại khu vực chợ tạm trên đường Tân Mỹ (Nam Từ Liêm), do điểm họp chợ sát với mương thoát nước nên còn được gọi là “chợ mương bẩn”. Bên trong chợ, sự nhớp nháp, hôi tanh của khu vực bày bán gia cầm cũng “tương đồng” với cái tên “chợ mương bẩn”.
Tại đây, thịt gia súc, gia cầm không được các cơ quan chức năng kiểm dịch chặt chẽ, người kinh doanh đua nhau giết mổ gia cầm ngay tại chợ. Các chất thải giết mổ được xả trực tiếp xuống dòng sông gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Theo quan sát của phóng viên, xung quanh những chiếc lồng đựng gà, ngan, vịt, chim bồ câu… sống được quây tròn là khu vực giết mổ của các tiểu thương. Dù mỗi ngày giết mổ hàng trăm con gia cầm các loại, nhưng tất cả đều được chủ hàng nhúng chung trong một nồi nước đun từ sáng đến chiều tối.
Gia cầm, sau khi cắt tiết được vứt xuống mặt đất, nội tạng cũng được “ném” ngay trên mặt sàn. Nước bẩn và chất thải gia cầm lênh láng khắp sàn, ruồi nhặng bu bám, mùi nồng nặc…
Tình trạng giết mổ gia cầm sống cũng diễn ra tương tự ở chợ Hoa Bằng (Yên Hòa, Cầu Giấy), chợ Tân Xuân (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm), khu vực giết mổ được bố chí xen lẫn với nơi bán thực phẩm khô, thực phẩm rau, củ, quả nên khó có thể đảm bảo ATVSTP. Do không gian chật hẹp, thiều trang thiết bị vệ sinh, nên rất dễ hiểu khi người bán “muốn sạch cũng không xong”, còn người mua thì “muốn nhanh đành chấp nhận”.
Chính quyền sở tại kêu khó
Bà Trần Hải Yến, Phó chủ tịch UBND phường Yên Hòa (Cầu Giấy) thừa nhận: Vẫn còn tình trạng hộ kinh doanh “lén lút” đưa gia cầm sống vào chợ, tự do giết mổ. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, phường lại không có cán bộ làm công tác chuyên trách về lĩnh vực này (cán bộ thú y) nên không có chức năng kiểm tra, xử lý, không đủ thẩm quyền để lập biên bản, gây khó khăn trong công tác quản lý.
“Trước đây, cứ không có kiểm dịch thì có thể xử lý, tiêu hủy, nhưng giờ đã bỏ kiểm dịch liên huyện, gia cầm không có kiểm dịch vẫn đi vào thành phố nên không đủ căn cứ để tiêu hủy. Trong khi đó, có những cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ, phường rất khó xử lý. Đối với những cơ sở giết mổ số lượng lớn, mới đây phường đã xử lý 6 trường hợp vi phạm, mỗi trường hợp nộp phạt 2,5 triệu đồng”, bà Yến cho hay.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội khẳng định: “Trách nhiệm kiểm tra, quản lý thuộc về chính quyền, ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh địa phương theo phân cấp quản lý ATVSTP của thành phố. Tuy nhiên, dù các địa phương và lực lượng thú y đã tích cực vào cuộc, nhưng vẫn không thể kiểm soát hết tình trạng giết mổ gia cầm sống tại các chợ trong nội thành. Bởi lẽ, các hộ giết mổ nhỏ lẻ, phân tán, trong khi lực lượng kiểm tra còn mỏng. Đặc biệt, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe”.
Theo TS. Nguyễn Văn Cảm (Hội Khoa học kỹ thuật Thú y Việt Nam): “Việc chấn chỉnh các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư đã được các bộ, ngành quan tâm quy hoạch. Nhưng dường như chính quyền cơ sở chưa thật sự tích cực chỉ đạo, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giết mổ, kinh doanh sản phẩm động vật. Việc xử lý về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y của các cấp, các ngành chức năng chưa triệt để, nghiêm minh, dẫn tới các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vẫn hoạt động ngày càng mạnh, đặc biệt là những cơ sở không được cấp phép. Năng lực quản lý giết mổ của chính quyền địa phương, thú y cấp xã còn yếu, vì thế, không kiểm soát được”.
Tuấn Ngọc