Một nguồn tin thân cận cho biết công ty này đã tạo ra khoản doanh thu 300 triệu USD vào tháng trước, tăng 1.700% so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến đạt doanh số 11,6 tỷ USD vào năm 2025 và 100 tỷ USD vào năm 2029.
Tuy nhiên, mức chi phí vận hành của OpenAI quá lớn khi ChatGPT cần quá nhiều tài nguyên để phát triển. Thêm vào đó, những chi phí như trả lương nhân viên, thuê văn phòng cùng các khoản chi phí vận hàng khác cũng đang khiến OpenAI chưa thể có lãi.
Theo ước tính, mỗi ngày OpenAI tốn đến 700.000 USD để vận hành ChatGPT. Mặc dù được Microsoft bơm 13 tỷ USD nhưng phần lớn số tiền đó đã được OpenAI trả các khoản dịch vụ dùng điện toán đám mây.
Cần lưu ý rằng tham vọng về doanh thu kể trên được OpenAI đưa ra khi chưa tính đến những khoản tiền thưởng cam kết với nhân viên thanh toán bằng cổ phiếu khi OpenAI phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), cũng như nhiều khoản chi phí vận hành lớn khác.
Dù được Microsoft hậu thuẫn nhưng OpenAI vẫn đang trong vòng gọi vốn mới trị giá 7 tỷ USD, qua đó đưa tổng giá trị ước tính của công ty lên 150 tỷ USD.
Nếu vòng gọi vốn này thành công, OpenAI sẽ trở thành một trong những startup công nghệ tư nhân được định giá cao nhất mọi thời đại trước khi IPO.
Hiện có Thrive Capital nhen nhóm kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD và Tiger Global cũng có kế hoạch tham gia vào thương vụ đầu tư này, theo CNBC.
Còn theo Wall Street Journal vừa cập nhật, Apple hiện đã "quay xe" và từ chối đàm phán tham gia vòng gọi vốn lần này của OpenAI dù cả 2 đã có hợp tác trong lần ra mắt iPhone 16. Tính năng trí thông minh nhân tạo (AI) của iPhone 16 được cho là sử dụng ChatGPT của OpenAI.
Đại diện OpenAI chia sẻ với New York Times rằng công ty hiện nắm khoảng 10 triệu người dùng ChatGPT có đóng phí 20 USD/tháng. Hãng này dự kiến sẽ tăng thêm 2 USD tiền phí vào cuối năm nay và nâng số tiền phí dịch vụ lên 44 USD trong vòng 5 năm tới.
Công ty này cũng đang có khoảng 1 triệu nhà phát triển bên thứ 3 đang dùng công nghệ OpenAI để phát triển dịch vụ của mình, bao gồm cả Apple.
Theo CNBC/New York Times