Bên cạnh những cơ hội, theo Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ, sau đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn do các bất ổn về địa chính trị, xu hướng tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam cũng như xu hướng thu mua của các kênh phân phối quốc tế được đánh giá là có nhiều thay đổi. Điều này cũng đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam thích ứng với những thay đổi đó.

Đơn cử như tại châu Âu - một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, hiện thị trường này cũng đang hướng tới mặt hàng thực phẩm xanh, sạch. Các tiêu chuẩn môi trường, trách nhiệm xã hội, lao động được ban hành ngày càng chặt chẽ. Đặc biệt Ủy ban châu Âu (EC) vừa có đề xuất áp dụng chương trình trách nhiệm nhà sản xuất mở rộng bắt buộc (EPR) với doanh nghiệp sản xuất dệt may. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất dệt may phải đảm bảo trách nhiệm cho toàn bộ vòng đời của sản phẩm, hỗ trợ sự quản lý bền vững rác thải dệt may khắp châu Âu.

Ông Trần Ngọc Quân - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU cho rằng, việc đưa ra quy định khắt khe hơn với mặt hàng dệt may của EU sẽ gây sức ép rất lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, như buộc phải chuẩn bị quy trình sản xuất tuần hoàn, giảm rác thải từ dệt may; sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, có thể tái chế. Nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn thì đây sẽ là cơ hội để hàng hoá Việt Nam có chỗ đứng vững chắc tại thị trường châu Âu.

Không chỉ đáp ứng, thích nghi với xu hướng thu mua của các kênh phân phối quốc tế, các sản phẩm của doanh nghiệp Việt cũng đang đối mặt sự cạnh tranh của nhiều quốc gia. Ông Radek Sorcik - Giám đốc cấp cao Mua hàng, Quản lý chất lượng và Môi trường xã hội và Quản trị của Công ty Takko chia sẻ: Trong thời gian qua, Takko có một số nhóm sản phẩm có tiềm năng và quan trọng trong chiến lược phát triển là quần áo thể thao, quần áo ngoài trời, áo thun, quần tây. Trong khi đó, những mặt hàng này của Việt Nam đã và đang chịu cạnh tranh nhiều với Bangladesh và Trung Quốc. Nếu muốn mở rộng xuất khẩu các mặt hàng này, doanh nghiệp Việt Nam phải tập trung đầu tư mạnh vào các nhà máy sản xuất, nguồn gốc chất lượng vải, giá thành, và tập trung nghiên cứu, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp.

Ông Trần Minh Thắng - Trưởng Chi nhánh Thương vụ San Francisco cho hay: Hiện Hoa Kỳ đang có nhu cầu hàng hóa từ Việt Nam, nhưng đây cũng là thị trường nhận nhiều lời chào hàng từ nhiều doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới, do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần kiên trì qua việc tiếp cận và chào hàng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, kết nối với các cơ quan liên quan, tạo sự uy tín và gây dựng niềm tin của khách hàng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp trong nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước, chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) do Bộ Công Thương tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 13-15/9/2023 bao gồm các hội nghị, hội thảo, hoạt động kết nối giao thương và Triển lãm Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế - Viet Nam International Sourcing Expo 2023.

Sự kiện hứa hẹn thu hút 8.000 lượt khách tham quan, giao dịch với 200 đoàn quốc tế đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các doanh nghiệp được lựa chọn để giới thiệu tới các nhà nhập khẩu, tập đoàn phân phối và các đoàn thu mua quốc tế đều là doanh nghiệp đã đạt các chứng chỉ quốc tế, có sản phẩm chất lượng cao ở các ngành hàng Việt Nam có thế mạnh và các nhà phân phối, bán lẻ quốc tế có nhu cầu như: Thực phẩm, dệt may, giày dép, ba lô, túi xách, đồ thể thao và dã ngoại, đồ gia dụng và nội thất, công nghiệp hỗ trợ...

Đặc biệt, Chuỗi sự kiện ghi nhận sự vào cuộc chưa từng có của hơn 60 Thương vụ/chi nhánh Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Theo kế hoạch triển khai, các Thương vụ, chi nhánh Thương vụ đã tiến hành quảng bá Viet Nam International Sourcing 2023 rộng rãi tới các nhà nhập khẩu, kênh phân phối, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài để mời các đoàn thu mua quốc tế tham dự với nhiều hình thức đa dạng phù hợp với nước sở tại (truyền thông trực tiếp hoặc điện tử, qua các kênh xúc tiến thương mại, networking…). Dưới sự chỉ đạo của Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ và Vụ thị trường Châu Á – châu Phi, các Thương vụ, chi nhánh Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã chủ động, tích cực tìm kiếm, tiếp xúc, làm việc vận động, mời các đoàn thu mua, doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp phân phối nước sở tại vào Việt Nam tham gia chuỗi hoạt động triển lãm, hội thảo nói trên.

Sự kiện năm nay cũng ghi nhận sự quan tâm tham dự lớn chưa từng có của các tập đoàn lớn trên thế giới. Trong suốt ba ngày diễn ra Viet Nam International Sourcing 2023, 10 cuộc hội thảo chuyên đề và các Diễn đàn doanh nghiệp, kết nối giao thương bổ ích sẽ được tổ chức xuyên suốt, với sự góp mặt của các tập đoàn lớn: điển hình như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Boeing, AES (Hoa Kỳ), Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico)…

Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, hiện Bộ Công Thương đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng Việt Nam, qua đó hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp trong nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước.

Đồng thời, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cũng đã hướng dẫn về chính sách của các khu vực và thị trường, chẳng hạn như Hoa Kỳ, EU để các doanh nghiệp Việt Nam có thêm thông tin và có hướng tận dụng những cơ hội trong chuyển đổi để thâm nhập thị trường. Thời gian tới, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cũng sẽ có những hội thảo, hội nghị, diễn đàn để thông tin thị trường, tiếp tục giải quyết những vấn đề còn tồn tại của doanh nghiệp, đưa ra những chiến lược khác nhau nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam ở thị trường nước ngoài.

Minh Anh (T/h)