Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh - Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), xác nhận thông tin trên.

Cụ thể, ông Xuân Anh cho hay, rung lắc trên có thể do ảnh hưởng từ một trận động đất diễn ra vào 12h14 ngày 27/7 (giờ Hà Nội). Trận động đất có độ lớn 5,3 richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (29,83 độ vĩ Bắc; 104,65 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 14km, tại khu vực tỉnh Sơn La. Cấp độ rủi ro thiên tai do trận động đất ở cấp 4 vùng chấn tâm. Việc cảm nhận rung lắc mạnh hay yếu còn phụ thuộc vào nền đất của từng khu vực.

Hiện tại, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này. Xác nhận thêm với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Đình Triều, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết, nguyên nhân rung lắc ban đầu được xác định là do ảnh hưởng dư chấn động đất cường độ 5,3 độ richter vừa xảy ra tại tỉnh Sơn La.

Bản đồ tâm chấn động đất. Ảnh: Viện Vật lý địa cầuBản đồ tâm chấn động đất. Ảnh: Viện Vật lý địa cầu

Theo ông Triều, trận động đất vừa xảy ra ở Sơn La được xem là trận động đất mạnh nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây nên chắc chắn các khu vực lân cận sẽ cảm nhận được, nhất là những người ở nhà cao tầng, hay vùng đất yếu.

Trước đó, theo Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, ngày 1/7 một trận động đất có độ lớn 2.6 xảy ra tại vị trí có tọa độ (21.151 độ vĩ Bắc, 107.077 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh.

Ngoài ra, tại khu vực huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cũng ghi nhận liên tiếp 6 trận động đất, trong đó trận lớn nhất 4,9 độ Richter gây hư hỏng, nứt nẻ một số công trình và khiến 2 trẻ mầm non bị thương nhẹ do rơi tấm trần thạch cao.

Các trận động đất tại đây do hoạt động của đứt gãy Mường Tè (còn được gọi là đứt gãy Thượng Sông Đà) chạy qua. Đứt gãy này được nhận định sẽ hoạt động mạnh trong thời gian tới.

 Thiên Trường