THCL Thời gian qua, dư luận vô cùng bức xúc trước thực trạng, chủ đầu tư nhiều dự án đã “qua mặt” các cơ quan chức năng để bàn giao căn hộ khi chưa có phương án PCCC.
Vạch mặt “trùm sò” vi phạm
Trong danh sách 38 chung cư cao tầng tại Hà Nội thực hiện không đầy đủ quy định về PCCC do Cảnh sát PCCC Hà Nội công bố, có đến 15 chung cư cao tầng của DN tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, do ông Lê Thanh Thản làm chủ đầu tư.
Hầu hết các chung cư của ông Thản trong “danh sách đen” đã đưa vào sử dụng cách đây từ 2 - 3 năm. Điều đó cho thấy, trong suốt thời gian dài, các chung cư này hoạt động trong tình trạng không an toàn về cháy nổ.
Trước vấn đề này, tại phiên chất vấn, Kỳ họp thứ 2, HĐND TP Khóa XV, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã phải thốt lên: “Bây giờ Tập đoàn Mường Thanh có tới 15/38 công trình sai phạm về PCCC là không thể chấp nhận được. Một công trình đã đành, chứ tận 15 công trình thì thời gian tới khắc phục thế nào?”.
Đại tá Tô Xuân Thiều, PGĐ Cảnh sát PCCC Hà Nội cũng phải thừa nhận với giới truyền thông rằng: “Tập đoàn Mường Thanh chấp hành pháp luật về công tác đảm bảo an toàn PCCC chưa nghiêm. Họ chỉ chú ý đến việc phát triển hệ thống nhà cao tầng, chứ chưa chú trọng đến việc xây dựng các hệ thống PCCC”.
Công tác PCCC không đảm bảo là nguyên nhân gây ra hàng loạt vụ cháy tại các chung cư của đại gia Thanh Thản, đỉnh điểm có những thời điểm trong vòng chưa đầy 1 tháng, các tòa chung cư của vị đại gia này đã cháy 3 lần, nghiêm trọng nhất là vụ cháy tầng hầm chung cư CT4A tại KĐT Xa La khiến hàng trăm xe máy bị thiêu trụi.
Chủ đầu tư “tiền trảm hậu tấu”
Mặc dù theo quy định của pháp luật đã thể hiện rất rõ những điều kiện để chủ đầu tư được bàn giao và đưa căn hộ vào sử dụng, tuy nhiên trên thực tế chủ đầu tư các dự án vẫn tìm mọi cách bàn giao căn hộ khi chưa đủ điều kiện PCCC.
Theo quy định tại Nghị định 99/2015/NĐ-CP thì phương án PCCC là điều kiện bắt buộc phải có trong hồ sơ dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Và đây cũng là điều kiện không thể thiếu để Sở KH&ĐT các tỉnh, thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng cho dự án.
Bên cạnh đó, tại điều 16 của nghị đinh cũng nêu rõ: Chỉ khi nào hoàn thành nghiệm thu các nội dung đã được phê duyệt trong hồ sơ dự án, trong đó có phương án PCCC thì chủ đầu tư mới được bàn giao nhà cho cư dân.
Trong trường hợp, chủ đầu tư không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đủ thì cơ quan công an có quyền kiến nghị - yêu cầu chủ đầu tư thực hiện, ra văn bản xử phạt hành chính hoặc nếu vi phạm với mức độ nặng, hay vi phạm nhiều lần có thể ra quyết định yêu cầu dừng hoạt động để khắc phục.
Thực tế thì sao? Theo báo cáo của Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội, hiện có tới 38 dự án đã đưa vào sử dụng, nhưng không có bản nghiệm thu về PCCC, không đảm bảo các điều kiện an toàn về hạng mục này (15/38 trường hợp vi phạm là của đại gia điếu cày Lê Thanh Thản).
Theo quan điểm của Luật sư Vi Văn Diện, GĐ Công ty luật Thiên Minh thì: “Luật không được phép cho nợ, nhưng phương pháp hậu kiểm đã cho phép cơ quan chức năng có thể linh động, nhằm tạo điều kiện thời gian cho chủ đầu tư hoàn thiện phương án PCCC. Tuy nhiên, sau khi được gia hạn, chủ đầu tư đã không thực hiện việc hoàn thiện phương án”.
“Đối với các trường hợp vi phạm, đáng lý ra cơ quan PCCC phải cương quyết không cho người dân đến ở, hoặc có cảnh báo, song họ lại nương tay. Như vậy, trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng này cũng có một phần thuộc về cơ quan PCCC”, Luật sư Diện nhấn mạnh.
Một số chuyên gia cho biết: Việc chủ đầu tư “qua mặt” các cơ quan chức năng là điều không thể. Tuy nhiên, chủ đầu tư lại chơi con bài “tiền trảm hậu tấu”, không cần biên bản nghiệm thu mà vẫn bàn giao căn hộ cho cư dân. Đến khi các cơ quan chức năng vào kiểm tra thì mọi chuyện… đã rồi (?!)
Thế - Đức