Đây là kết quả rà soát các dự án, sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai - được UBND TP. Hà Nội báo cáo tại kỳ họp HĐND đang diễn ra.
Tổng cộng Hà Nội đã rà soát 712 dự án, bao gồm cả các dự án tới nay chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất và các dự án đã được giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Ngoài hơn 100 dự án bị kiến nghị chấm dứt đầu tư, thành phố cũng cho phép hơn 200 dự án được tiếp tục triển khai hoặc gia hạn sử dụng đất.
Kết quả này, thể hiện quyết tâm của TP. Hà Nội trong việc kiên quyết thu hồi, chấm dứt các dự án chậm triển khai, không để tình trạng chây ỳ, kéo dài.
"Họp dân, nếu bí thư, chủ tịch không quan tâm, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng. Nếu dự án nào chậm triển khai do năng lực, không thực hiện tốt quy định nhà nước thì phải thu hồi. Tuy nhiên, những doanh nghiệp nào thực sự tích cực, có đủ năng lực nhưng vướng công tác quản lý, vướng thủ tục hành chính do chậm trễ thì cần quan tâm. Tôi đề nghị, tới đây, Hội đồng giám sát cụ thể tại sao dự án này chậm tiến độ, vướng mắc ở cái gì để đặt lên bàn một cách khách quan, vô tư nhất", ông Vũ Mạnh Hà, Tổ đại biểu huyện Thường Tín nêu quan điểm.
"Doanh nghiệp đã hoàn thành giao đất, hoàn thành xong thủ tục liên quan đến giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, tuy nhiên đến nay họ cần tính toán tiền sử dụng đất để nộp nghĩa vụ tài chính để có thể khởi công xây dựng và bán hàng ra bên ngoài. Nội dung này cần tập trung tháo gỡ và đây cũng là nguồn thu quan trọng đối với ngân sách của thành phố cũng như quận, huyện trong thời điểm hiện nay", ông Nguyễn Thanh Xuân, Bí thư Quận ủy Hà Đông cho biết.
"Đối với vi phạm nguyên nhân do chủ quan thì phải cương quyết để giữ kỷ cương. Thứ hai là vấn đề xã hội, người dân hết sức bức xúc khi các dự án chậm triển khai, gây ô nhiễm môi trường, không phát triển được sản xuất", ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin.
Trúc Mai