Tái cơ cấu nông nghiệp nước ta thời gian qua đã tạo những bước bứt phá, khắc phục tồn tại và tạo ra sự phát triển tích cực. Ngành nông nghiệp đã có sự chuyển dịch tăng trưởng dựa vào số lượng sang chất lượng và gia tăng giá trị; tăng những ngành hàng, sản phẩm có lợi thế... Với trên 50% thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam từ nguồn vốn Agribank, Ngân hàng gắn với sứ mệnh “Tam nông” ngay từ những ngày đầu thành lập đến nay luôn có những đóng góp tích cực, cụ thể đối với quá trình phát triển bứt phá của ngành nông nghiệp sau một thời gian triển khai tái cơ cấu.
Cùng ngành nông nghiệp tạo nên nhiều điểm sáng
Sau 6 năm triển khai Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, sức sản xuất trong nông nghiệp đã được tăng lên rõ rệt, thể hiện ở sản lượng các mặt hàng nông sản đều tăng, kéo theo đó, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt kỷ lục. Năm 2019, mặc dù khó khăn về thị trường, các mặt hàng nông sản giảm giá từ 10-15%, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD, tăng khoảng 3,5% so với với năm 2018, riêng lĩnh vực lâm nghiệp đạt trên 11 tỷ USD, tăng gần 20%. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt mức kỷ lục 9,9 tỷ USD, tăng 14%, cao hơn 1,12 tỷ USD so với năm 2018. Tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD; trong đó có 5 mặt hàng trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; cà phê; hạt điều)… Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là một trong những trụ đỡ của nền kinh tế.
Thành công của ngành nông nghiệp Việt Nam đạt được có sự đóng góp, hỗ trợ của toàn hệ thống chính trị, trong đó có sự đồng hành tích cực của ngành Ngân hàng, trong đó có Agribank
Thành công của ngành nông nghiệp Việt Nam đạt được có sự đóng góp, hỗ trợ của toàn hệ thống chính trị, trong đó có sự đồng hành tích cực của ngành Ngân hàng, trong đó có Agribank. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động tham mưu trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đồng thời ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực “Tam nông”, có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới chi nhánh, điểm giao dịch tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội như Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và một số tổ chức chính trị - xã hội khác để đưa vốn đến tận người dân một cách hiệu quả nhất, giúp hàng triệu hộ nông dân khu vực nông thôn được tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ngân hàng. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn ở nước ta hiện đạt gần 2 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 25% tổng dư nợ nền kinh tế.
Phát huy vai trò của NHTM chủ lực trong đầu tư phát triển “Tam nông”, Agribank luôn dành 70% dư nợ đầu tư cho lĩnh vực này. Nguồn vốn Agribank chiếm trên 50% thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam. Agribank tiên phong, chủ lực triển khai hiệu quả 07 chương trình tín dụng chính sách và 02 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Riêng cho vay xây dựng nông thôn mới, Agribank thực hiện đến 100% số xã trên cả nước, có đóng góp rất tích cực đối với thành công vượt bậc quá trình xây dựng nông thôn mới ở nước ta khi gần 54% số xã và 110 huyện đạt chuẩn NTM, hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm. Agribank cũng là NHTM đầu tiên “mở đường” cho làn sóng đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao ở nước ta khi từ tháng 11/2016 triển khai chương trình tín dụng quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng đầu tư cho lĩnh vực này, hướng đến tín dụng xanh, cũng như “xanh hóa” hoạt động của Ngân hàng, “Vì tương lai xanh”.
Là một trong những địa phương có diện tích diện tích cây ăn quả lớn nhất cả nước, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Sơn La đã chọn được hướng để phát triển nông nghiệp là cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản. Bám sát định hướng phát triển, tình hình thực tế của địa phương, Agribank (Chi nhánh Sơn La) xây dựng triển khai kế hoạch cho vay phù hợp đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn: Dự án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp trồng rau củ, quả sạch... Từ đầu tư nguồn vốn kịp thời, bước đầu giúp các huyện, thành phố và các cơ sở hình thành những mô hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương. Còn tại Lâm Đồng, địa phương với mục tiêu sẽ trở thành vùng kinh tế động lực của khu vực Tây Nguyên, khẳng định thế mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa có giá trị cao, phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành, Agribank (Chi nhánh Lâm Đồng) dành đến 90% dư nợ để cho vay phát triển “Tam nông”; tập trung nguồn vốn cho các dự án phát triển rau, hoa công nghệ cao, phát triển đàn bò sữa, tái canh - cải tạo giống cà phê, chương trình xây dựng nông thôn mới, đưa vốn về vùng sâu - vùng xa - vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Hiện nay toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 54.400 ha nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có gần 195 ha ứng dụng công nghệ cảm biến tự động nhiệt độ, độ ẩm, quản lý dinh dưỡng trong canh tác... Nông nghiệp Lâm Đồng hướng đến mục tiêu hơn 65.000 ha ứng dụng công nghệ cao vào năm 2025.
Hằng năm, Agribank vẫn dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp
Tạo thuận lợi, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay và sử dụng dịch vụ ngân hàng, phục vụ phát triển hiệu quả sản xuất kinh doanh, từ đó có đóng góp trực tiếp làm nên thành công tái cơ cấu nông nghiệp, hằng năm, Agribank vẫn dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời tài trợ xây dựng trường học, trạm y tế, nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, phát triển giao thông nông thôn… Riêng trong năm 2019, Agribank 03 lần chủ động giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng và các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình tín dụng chính sách, hiện nay lãi suất cho vay ngắn hạn của Agribank thấp hơn trần quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 1,0%/năm, qua đó thể hiện sự quyết tâm của Agribank trong việc tiên phong, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về điều hành lãi suất, thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ khách hàng, đưa tín dụng ngân hàng tiếp tục phát huy vai trò thúc đẩy, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế đất nước. Agribank không ngừng đơn giản hóa thủ tục cho vay, cải tiến mô hình, phương thức cho vay, kết hợp với chính quyền địa phương, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai trên 63.000 tổ vay vốn với gần 1,4 triệu thành viên; Triển khai an toàn 68 Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng với gần 7.000 phiên giao dịch, phục vụ gần 700 nghìn khách hàng tại trên 400 xã trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi đối với hộ gia đình, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận vốn vay và dịch vụ ngân hàng. Triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng quy mô tối thiểu 5.000 tỷ đồng, đến nay đã cho vay trên 79.000 khách hàng với dư nợ chương trình này trên 1.600 tỷ đồng… Năm 2019, Agribank chính thức triển khai Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn, với mục tiêu gia tăng sự tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của các cá nhân, gia đình cũng như các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Có thể khẳng định rằng, với vai trò trung gian tín dụng và cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, Agribank đã có những đóng góp nhất định thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống của nhân dân ở khu vực nông thôn, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, góp phần tạo những bước bứt phá trong tái cơ cấu nền nông nghiệp Việt Nam.
Cùng hướng mục tiêu chung đưa nông nghiệp Việt Nam đứng đầu ASEAN và thứ 10 trên thế giới vào năm 2025
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho ngành nông nghiệp phải có tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 43 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng 42%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 59%. Cùng với đó, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu năm 2025, ngành nông nghiệp phải có tốc độ tăng trưởng GDP trung bình đạt từ 3 -3,5%, đồng thời, có thêm 5 nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên, để đưa Việt Nam có 15 nhóm mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên và tổng giá trị xuất khẩu là 50 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và thứ 10 trên thế giới.
Thẻ Agribank đồng hành cùng “Tam nông”
Kiên định sứ mệnh vì “Tam nông”, thời gian tới, Agribank tiếp tục tập trung nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, đảm bảo duy trì tỷ trọng 70% dư nợ cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn; Tiếp tục cải tiến quy trình thủ tục, phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới phù hợp để phục vụ ngày càng hiệu quả hơn nhu cầu phát triển kinh tế xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, Agribank chủ động triển khai các công việc liên quan chuẩn bị quá trình cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ. Một khi chuyển sang mô hình cổ phần hóa, Agribank tin tưởng sẽ càng có nhiều đóng góp tích cực hơn nữa đối với nền kinh tế đất nước, đặc biệt thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh vì “Tam nông”.
Thái Anh