Ảnh minh họa
Cụ thể, người sử dụng lao động được xét duyệt cho vay khi đáp ứng đủ các điều kiện: có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020; có doanh thu quý I/2020 giảm 20% trở lên so với quý IV/2019 hoặc doanh thu quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/ 2019.
Mức cho vay tối đa 1 tháng của 1 khách hàng bằng 50% mức lương tối thiểu vùng (x) số người lao động bị ngừng việc và mỗi khách hàng được vay vốn không quá 3 tháng trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020.
Lãi suất cho vay là 0%/năm. Lãi suất nợ quá hạn là 12%/năm. Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách Xã hội nơi cho vay và khách hàng thỏa thuận nhưng không quá 12 tháng, kể từ ngày giải ngân món vay đầu tiên. Khách hàng không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.
Năm 2020, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; trong đó có nội dung giao Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện cho vay đối với người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính để trả lương ngừng việc cho người lao động.
Qua thực tiễn triển khai và để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Linh Tuệ