'Cát tặc' đã trở thành vấn nạn

Khoảng 16 giờ 30 ngày 19/2, trong quá trình tuần tra, tổ công tác Đồn Biên phòng Long Hòa phát hiện sà lan mang số hiệu HD 2999 do Vũ Bá Hùy, sinh năm 1986, quê huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương làm thuyền trưởng và sà lan HD 2888 do Hoàng Văn Thái, sinh năm 1989, quê Quảng Trạch, Quảng Bình làm thuyền trưởng đang có hành vi khai thác và vận chuyển cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ.

Gian nan cuộc chiến trống cát tặc tại Cần Giờ - Hình 1

Hàng loạt phương tiện bị phát hiện khai thác cát trái phép tại Cồn Ngựa - Cần Giờ

Khi phát hiện tổ công tác, hai phương tiện trên lập tức dừng hoạt động khai thác cát trái phép và tìm cách trốn chạy nhưng đã bị lực lượng biên phòng chặn lại.

Tại thời điểm kiểm tra trên hai sà lan nói trên đang chứa khoảng 500 mét khối cát, ông Luật và ông Hùy không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa trên phương tiện và của người điều khiển phương tiện.

Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, dẫn giải người, tang vật, phương tiện vi phạm về đơn vị để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật

Trước đó, vào đêm 17/2, tổ công tác của Đồn Biên phòng Long Hòa phát hiện một sà lan đang bơm, hút cát trái phép trên vùng biển xã Long Hòa (huyện Cần Giờ) và đã thu giữ phương tiện cùng khoảng 400 mét khối cát tang vật.

Năm 2018, Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh đã phát hiện, bắt giữ 46 vụ với 75 đương sự và 75 phương tiện khai thác, vận chuyển cát trái phép; tịch thu hơn 12.000 mét khối cát và 66 máy bơm, hút cát.

Trước đó, lực lượng biên phòng Long Hòa (thuộc Bộ đội Biên Phòng TPHCM) trong lúc tuần tra tại khu vực Cồn Ngựa thuộc vùng biển Cần Giờ thì phát hiện 3 xà lan số hiệu SG 7368, SG 7200 và ĐN0988 đang bơm hút cát trái phép.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ của 3 phương tiện này là Lại Văn Phương (37 tuổi), Trần Văn Thủy (40 tuổi, cùng quê Nam Định) và Trần Văn Tuấn (42 tuổi, quê Ninh Bình) đều không xuất trình được các giấy có liên quan đến việc khai thác cát.

Theo ước tính của Bộ đội biên phòng, số cát mà 3 xà lan này đã khai thác trái phép là khoảng 2.000m3.

Đại diện Đồn biên phòng Long Hòa (Bộ đội Biên phòng TPHCM) cho biết, các đối tượng bơm hút cát trên biển Cần Giờ ngày càng manh động, bất chấp. Trường hợp Bùi Văn Hợp (38 tuổi, quê Nam Định) điều khiển sà lan HP-4477 là một điển hình. Chiều 17-11, phát hiện sà lan do Hợp điều khiển cùng 4 sà lan khác tổ chức khai thác cát trái phép trên biển Cần Giờ, lập tức tổ công tác của Đồn biên phòng Long Hòa yêu cầu giữ nguyên hiện trường để xử lý.

Tuy nhiên, Hợp bất chấp, lớn tiếng, có biểu hiện chống đối, cố tình bơm cát ra ngoài để tẩu tán tang vật. Đáng chú ý hơn, “gần đây, khi phát hiện, kiểm tra các sà lan bơm hút cát trái phép trên biển Cần Giờ, ngoài tang vật là sà lan, máy bơm, cát, lực lượng chức năng còn thu giữ nhiều hung khí (dao, mã tấu…) trên sà lan”, một cán bộ Đồn biên phòng Long Hòa cho biết.

Gian nan cuộc chiến trống cát tặc tại Cần Giờ - Hình 2

Những con tàu với tải trọng lớn cùng những "súc tu"  vô tư di chuyển

Quyết dẹp nạn 'cát tặc'

Ngày 23/4/2019, tại Cần Giờ, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị trao đổi thông qua đề án phòng, chống tình trạng khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ, vùng giáp ranh giữa TP.HCM. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dự hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho hay những năm gần đây do khan hiếm vật liệu xây dựng, nhất là cát san lấp, giá cát tăng cao nên việc khai thác cát trái phép tại địa bàn đến mức báo động. “Cát tặc” khai thác liều lĩnh, tổ chức quy mô, rầm rộ, nhất là vào ban đêm, với nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm né tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Việc khai thác cát trái phép không chỉ gây mất an ninh, trật tự ở địa phương mà còn gây nguy cơ sụt lún ảnh hưởng đến môi trường, tính mạng người dân.

Gian nan cuộc chiến trống cát tặc tại Cần Giờ - Hình 3

Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng.

Trong giai đoạn 2015 - 2018, Cần Giờ phát hiện xử lý 151 trường hợp khai thác, vận chuyển cát trái phép. Trong đó năm 2015 có 12 trường hợp (xử phạt 250 triệu đồng), năm 2016 phát hiện 26 trường hợp (xử phạt hơn 1,35 tỉ đồng), năm 2017 phát hiện 48 trường hợp (xử phạt hơn 1,48 tỉ đồng), năm 2018 phát hiện 65 trường hợp (xử phạt hơn 21,6 tỉ đồng)... Thống kê cho thấy vi phạm khai thác cát trong năm 2017 - 2018 tăng gấp 3 lần so với năm 2015 - 2016.

Theo ông Dũng, việc xử lý khai thác cát trái phép có những khó khăn về pháp lý, phương tiện, trang thiết bị, kinh phí kiểm tra... Mặt khác, các đơn vị kiểm tra thường bị “cát tặc” theo dõi nên khi kiểm tra phải thuê phương tiện của ngư dân, vừa bị động vừa tốn kém. Chưa kể có nhiều đối tượng sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng khi kiểm tra. Điển hình như Đồn biên phòng Cần Thạnh gần đây khi phối hợp kiểm tra đã gặp phải 3 vụ chống đối của “cát tặc”...

Trước thực trạng này, đại tá Tô Danh Út - Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng TP.HCM kiến nghị sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng tịch thu phương tiện vi phạm đã từng bị xử lý, nhằm tránh việc các cá nhân, tổ chức lợi dụng kẽ hở của pháp luật để tiếp tục vi phạm.

Ông Út cũng đề nghị bổ sung hình phạt yêu cầu cá nhân, tổ chức vi phạm phải vận chuyển số cát, sỏi đã khai thác trái phép về lấp trả lại nguyên trạng tại vị trí đã khai thác.

Mặt khác, những cá nhân khai thác khoáng sản trái phép bị xem là hành vì trộm, cắp tài sản để cơ quan chức năng dễ xử lý về hình sự, tăng tính răn đe.

Đồng tình với những kiến nghị trên, Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó Giám đốc Công an TP.HCM đề nghị thành phố xem xét lại quy hoạch các công trình sử dụng nhiều cát san lấp mà không tính đến nguồn cung.

Đồng thời, thành phố chỉ nên đồng ý cho việc nạo vét luồng tuyến tận thu sản phẩm với điều kiện chỉ định được người bao tiêu toàn bộ sản phẩm đó, tránh tình trạng lợi dụng các giấy phép nạo vét tận thu sản phẩm để khai thác cát trái phép.

Nạn khai thác cát trái phép sẽ còn hoành hành hơn bởi tốc độ đô thị hóa ở TPHCM đang tăng mạnh, công trình xây dựng mọc lên nhiều, giá vật liệu xây dựng (cát) ngày càng cao do khan hiếm, nếu chính quyền, ngành chức năng không có biện pháp mạnh, nạn khai thác cát trái phép sẽ càng diễn biến phức tạp hơn.

Hải Đăng