Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo ông Huy, những nguyên nhân chính là do: Căng thẳng địa chính trị leo thang, tình hình tại Trung Đông, với nguy cơ về một cuộc chiến diện rộng giữa Israel và các quốc gia láng giềng, cùng với cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài và căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, đã tạo ra sự bất ổn trên toàn cầu. Điều này thúc đẩy giới đầu tư tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn, đẩy giá vàng thế giới vượt ngưỡng 2.700 USD/ounce, đạt đỉnh cao mọi thời đại. Sự tăng giá này tạo áp lực lớn lên giá vàng trong nước, bao gồm cả vàng nhẫn và SJC.

Tiếp đó, do triển vọng chính sách tiền tệ toàn cầu. Ông Huy cho rằng, dự đoán về việc các ngân hàng Trung ương lớn tiếp tục giảm lãi suất càng làm tăng sức hấp dẫn của vàng. FED dự kiến sẽ giảm 25 điểm cơ bản vào tháng 11/2024, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã giảm lãi suất lần thứ ba trong năm xuống còn 3,25%. Điều này làm giảm lợi suất trái phiếu, tạo ra lợi thế cho vàng như một tài sản không sinh lãi nhưng an toàn.

Trong khi đó, việc tiếp cận mua vàng miếng SJC hiện gặp một số khó khăn, khiến người dân chuyển hướng sang mua vàng nhẫn. “Vàng nhẫn dễ tiếp cận và phù hợp với các nhà đầu tư cá nhân hơn, đặc biệt là trong bối cảnh vàng đang được coi là kênh đầu tư an toàn, khiến nhu cầu tăng mạnh và giá tiếp tục leo thang”, ông Huy nhận định.

Cùng với đó là sự lình xình của các kênh đầu tư khác. Ông Huy cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang gặp khó khăn ở mức 1.300 điểm, thị trường trái phiếu chưa có dấu hiệu khởi sắc do cần thời gian để điều chỉnh pháp lý, và bất động sản thì tăng giá mạnh mẽ nhưng đòi hỏi vốn đầu tư lớn, từ 3-5 tỷ đồng. Trong khi đó, vàng trở thành lựa chọn phù hợp cho các nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi, chỉ cần số vốn nhỏ hơn nhưng vẫn có thể sinh lợi trong ngắn hạn.

Dự đoán về diễn biến giá vàng nhẫn thời gian tới, chuyên gia này cho rằng, trong ngắn hạn, với việc giá vàng thế giới đã vượt mốc 2.700 USD/ounce, giá vàng nhẫn trong nước sẽ tiếp tục chịu áp lực tăng cao. Những bất ổn địa chính trị và chính sách nới lỏng tiền tệ từ các ngân hàng trung ương lớn vẫn còn hiện hữu, tạo điều kiện cho vàng duy trì sức hấp dẫn như một tài sản an toàn.

Trong trung hạn đến dài hạn, nếu tình hình địa chính trị ổn định trở lại và các nền kinh tế lớn bắt đầu phục hồi, giá vàng có thể hạ nhiệt khi dòng tiền chuyển sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán hoặc trái phiếu. Tuy nhiên, nếu các bất ổn địa chính trị kéo dài và chính sách tiền tệ nới lỏng tiếp tục, giá vàng nhẫn sẽ duy trì ở mức cao, có thể còn tăng thêm do tâm lý phòng ngừa rủi ro của nhà đầu tư.

Bàn về giải pháp để ghìm cương đà tăng của giá vàng nhẫn, theo ông Huy, cần điều tiết hài hòa giữa vàng nhẫn và vàng SJC. “Để giảm áp lực tăng giá vàng nhẫn, cần tăng cường cung ứng vàng SJC trên thị trường, giúp người dân dễ dàng tiếp cận vàng miếng hơn. Điều này sẽ giúp cân bằng cung-cầu giữa các loại vàng, giảm áp lực lên giá vàng nhẫn”, ông Huy nói.

Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các kênh đầu tư dài hạn. Mở rộng cơ hội đầu tư cho người dân là giải pháp quan trọng. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đào tạo tư duy quản trị, phát triển cộng đồng kinh doanh và xây dựng các dự án nhà ở xã hội và nhà ở giá (2-3 tỷ đồng) giúp người dân có thêm lựa chọn đầu tư.

Đồng thời nâng hạng thị trường chứng khoán. Theo chuyên gia này, nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút dòng vốn từ các nhà đầu tư quốc tế, tăng tính thanh khoản và giảm sự phụ thuộc vào vàng như một kênh trú ẩn an toàn. Điều này giúp giảm áp lực lên giá vàng nhẫn.

Mặt khác, đào tạo về quản lý tài chính cá nhân: Cung cấp kiến thức quản lý tài chính cá nhân cho người dân giúp họ biết cách phân bổ tài sản một cách hiệu quả, từ đó có thể chọn các kênh đầu tư khác ngoài vàng như chứng khoán và trái phiếu.

Chuẩn hóa và phát triển thị trường trái phiếu. Việc hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường trái phiếu giúp tạo ra thêm lựa chọn đầu tư an toàn, giúp dòng tiền chảy vào các sản phẩm tài chính thay vì tập trung vào vàng.

Ngoài ra, cần tuyên truyền thay đổi thói quen tích trữ. Khuyến khích người dân chuyển từ thói quen tích trữ vàng sang tư duy đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, và khởi nghiệp thông qua các chiến dịch truyền thông. Điều này không chỉ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế mà còn giúp phân bổ lại dòng tiền nhàn rỗi vào các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng cao hơn.

“Những biện pháp trên, nếu được triển khai một cách đồng bộ, sẽ giúp cân bằng thị trường vàng, tạo ra sự ổn định và đa dạng hóa các cơ hội đầu tư cho người dân, giảm bớt sự phụ thuộc vào vàng trong bối cảnh kinh tế và chính trị đầy biến động. Điều này cũng giúp Việt Nam phát triển kinh tế bền vững và ổn định trong thời gian tới”, ông Huy nhấn mạnh.

Thuỳ An