Được thành lập từ năm 2020, Hợp tác xã (HTX) Chè sạch Đạt Phát hiện có 7 thành viên chính thức và 30 hộ liên kết, với vùng nguyên liệu chè VietGAP rộng 20 ha. Bình quân mỗi năm, sản lượng chè búp tươi của HTX đạt trên 260 tấn, tương đương khoảng 52 tấn chè búp khô. Vùng chè nguyên liệu của HTX chủ yếu tại xã Vô Tranh với những giống chè lai như: Thúy Ngọc, Long Vân, Phúc Thọ, TRI 777, Kim Tuyên.
Anh Vũ Thành Thơm, Giám đốc HTX Chè sạch Đạt Phát cho biết, ngay từ khi thành lập, anh và các thành viên HTX đã hướng tới tiêu chí sản xuất chè sạch, an toàn để mang đến cho khách hàng những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng. Hiện nay, HTX có nhiều sản phẩm như: Trà đinh, trà móc câu, hồng trà, nụ hoa trà cổ, trà tôm nõn... Trong số đó, trà đinh và trà sạch Đạt Phát là sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP 4 sao từ năm 2022, 2023; đạt thương hiệu sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu; chứng nhận ISO theo tiêu chuẩn; chứng nhận cung ứng sản phẩm an toàn; chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm...
Đối với một HTX còn non trẻ, để đạt được thành quả như vậy chỉ sau 4 năm đi vào hoạt động là cả một quá trình nỗ lực, tìm tòi không ngừng nghỉ của người đứng đầu HTX. Anh Thơm chia sẻ, lớn lên ở vùng chè đặc sản Vô Tranh, từ nhỏ anh đã được tiếp xúc với cây chè và hiểu rất rõ quy trình làm ra những sản phẩm trà đặc sản. Tình yêu, sự gắn bó với cây chè và nỗi trăn trở khi sản phẩm trà của quê hương dù rất ngon nhưng giá trị lại chưa tương xứng với chất lượng đã thôi thúc anh quyết định bỏ nghề xây dựng để trở về quê hương gây dựng thương hiệu chè sạch Đạt Phát.
Với mong muốn tạo sự liên kết giữa các hộ dân trong sản xuất, chế biến chè, qua đó gia tăng giá trị cho cây chè Phú Lương, anh Thơm đã đứng ra vận động người dân trong vùng thành lập HTX. Trong đó, chú trọng đầu tư xây dựng nhà xưởng quy mô; mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại như máy sao, máy vò chè, máy hút chân không; thuê người thiết kế logo, bộ nhận diện thương hiệu, bao bì sản phẩm; đầu tư sản xuất, chế biến chè theo quy trình VietGAP; bao tiêu đầu ra cho bà con… Số tiền đầu tư vào nhà xưởng và các thiết bị không hề nhỏ, nhưng theo anh Thơm, đó là việc làm cần thiết để phát triển HTX theo hướng chuyên nghiệp, bài bản hơn.
Đặc biệt, là người trẻ nên anh Thơm đã nhanh chóng tiếp cận với các kiến thức, công nghệ mới, hiện đại để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; xây dựng website giới thiệu sản phẩm. Nhận thấy lợi ích từ việc bán hàng trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử, anh Thơm đã thuê người thiết kế trang web riêng của HTX; đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn để đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các nền tảng số. Hàng chục sản phẩm của HTX đã được đưa lên trang web, sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội. Nhờ vậy, nhiều khách hàng ở Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương biết đến sản phẩm của HTX và đặt mua, thậm chí có sản phẩm còn được mang ra nước ngoài và được đánh giá cao.
Thời gian gần đây, khi sản phẩm trà của HTX đã có chỗ đứng trên thị trường, đầu ra ổn định hơn, HTX hướng đến sản xuất các sản phẩm hữu cơ. Sau một thời gian triển khai với nhiều sự băn khoăn, nghi ngờ về sụt giảm sản lượng, đến nay chất lượng sản phẩm chè sản xuất hữu cơ đã thực sự được nâng lên, trong khi năng suất vẫn giữ được ổn định nên các thành viên của HTX đã yên tâm với cách làm mới này. Đó cũng chính là hướng đi mà HTX đang hướng đến trong tương lai.
Nói về mong muốn của mình, anh Vũ Thành Thơm, Giám đốc HTX Chè sạch Đạt Phát cho biết, HTX rất mong nhận được sự hỗ trợ về máy móc, hướng dẫn kỹ thuật từ cơ quan quản lý nhà nước; hỗ trợ về cách thức bán hàng trên các sàn thương mại điện tử và trang mạng xã hội để tăng tính tương tác với khách hàng, mục tiêu xa hơn là gia tăng giá trị thương hiệu cho vùng chè nổi tiếng của huyện Phú Lương cũng như của tỉnh Thái Nguyên.
Theo Thanh Mai/thainguyen.gov.vn