Tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn Osaka giao dịch ở mức 216,0 Yen/kg, tăng 2 Yen so với phiên giao dịch trước đó.

Kỳ hạn tháng 9/2021 đạt mức 218,3 Yen/kg, tăng 2,7 Yen so với phiên giao dịch trước đó; kỳ hạn tháng 10/2021 đạt mức 222,3, tăng 2,7 Yen so với phiên giao dịch trước đó.

Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su giao kỳ hạn tháng tháng 8/2021 ghi nhận mức 13.430 Nhân dân tệ/tấn, không thay đổi so với phiên giao dịch trước đó.

Kỳ hạn tháng 9/2021 ở mức 13.760 Nhân dân tệ/tấn, tăng 35 Nhân dân tệ so với giao dịch trước đó, kỳ hạn tháng 10/2021 ở mức 13.850 Nhân dân tệ/tấn, tăng 35 Nhân dân tệ so với giao dịch trước đó.

Giá cao su trong nước, từ đầu tháng 8/2021 đến nay, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước không có nhiều biến động.

Theo khảo sát, giá mủ cao su tươi hôm nay tại Bình Phước được các thương lái thu mua giao động từ 300 - 315 đồng/độ mủ.

Giá cao su hôm nay 19/8: Giá cao su Việt Nam sang Trung Quốc tăng 70,2%
Giá cao su hôm nay 19/8: Giá cao su Việt Nam sang Trung Quốc tăng 70,2%.

Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng (Bình Phước) niêm yết ở mức 325 đồng/độ mủ.

Tại Đắk Lắk, giá mủ chén đầu cũng ghi nhận mức 16.000-18.000 đồng/kg tùy loại.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu cao su (mã HS 4001, 4002, 4003, 4005) của Trung Quốc đạt 6,04 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020.

Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ hai cho Trung Quốc, đạt gần 868 triệu USD, tăng 70,2% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2021 chiếm 14,4%, tăng mạnh so với mức 10,9% của 6 tháng đầu năm 2020.

Trong kỳ, Trung Quốc nhập khẩu cao su tự nhiên (mã HS 4001) đạt 1,76 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2020. Trung Quốc nhập khẩu cao su tự nhiên chủ yếu từ các thị trường: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Bờ Biển Ngà và Việt Nam.

Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 5 cho Trung Quốc với 101,47 triệu USD, tăng hơn 89% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam chiếm 5,8% trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc, tăng so với mức 4,7% của 6 tháng đầu năm 2020.

Ngoài ra, Trung Quốc nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (mã HS 400280) đạt 2,32 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2020. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Myanmar và Indonesia là 5 thị trường lớn nhất cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp cho Trung Quốc.

Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn thứ hai cho Trung Quốc với 761,02 triệu USD, tăng gần 69% so với cùng kỳ năm 2020.

Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 32,8% trong tổng trị giá nhập khẩu chủng loại cao su này của Trung Quốc, tăng so với mức 21,2% của 6 tháng đầu năm 2020.

Trúc Mai