FDI “lấn lướt”: Đáng lo ngại! - Hình 1

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Có ý kiến cho rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam đang quá phụ thuộc vào các DN FDI. Quan điểm của ông trước vấn đề này?

Mục tiêu quan trọng nhất của vốn FDI là chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, hiện chỉ có 5% công nghệ cao, 15% công nghệ trung bình, còn lại hơn 70% là công nghệ kém, lạc hậu cùng với việc sử dụng lao động phổ thông nên tạo ra giá trị gia tăng chỉ 20%, còn giá trị nội địa chỉ 10%.

Cụ thể, khi Samsung “hắt hơi” thì nền kinh tế Việt Nam lập tức bị “sổ mũi”. Điều này có đáng lo ngại?

Samsung “hắt hơi” do phải thu hồi, cũng như dừng sản xuất điện thoại di động Samsung Galaxy Note 7 vì gặp lỗi. Tuy nhiên, Samsung lại đang phấn khởi khi chuẩn bị tung ra Samsung Galaxy Note 7.

Giả thiết, nếu Samsung Galaxy Note 7 ra mắt thị trường thành công, nền kinh tế sẽ lại khởi sắc. Song, sự phụ thuộc vào “sức khoẻ” của một công ty nước ngoài như Samsung - sẽ nguy hiểm như thế nào cho nền kinh tế…

Sự phụ thuộc nền kinh tế vào Samsung, không chỉ ở xuất nhập khẩu, mà còn ở cả GDP, nằm luôn ở cán cân thanh toán. Tức là, một công ty tác động ghê gớm đến nền kinh tế. Rõ ràng, chính sách phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI của Việt Nam có thể là một sự thất bại.

Samsung Việt Nam cũng tác động rõ rệt tới mức tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam. Samsung giảm doanh thu, lập tức nhập siêu của Việt Nam giảm tới 4,42% trong quý I/2017 so cùng kỳ (2016, chỉ giảm 1,49%)?

“Cơn ác mộng” của Samsung - chắc chắn sẽ tác động tới lớn nền kinh tế Việt Nam bởi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Samsung. Do đó, khi Samsung “hắt hơi” thì kinh tế Việt Nam ngay lập tức bị “sổ mũi”.

Tuy nhiên, tác động ra sao và như thế nào, còn phải phụ thuộc vào tỷ trọng xuất khẩu của sản phẩm Note 7 và các tác động khác gây ra do việc ngừng sản xuất sản phẩm này. Nhưng đây cũng là một nhân tố rất quan trọng mà chúng ta phải lưu ý khi doanh thu của Samsung sụt giảm, hoặc bị ảnh hưởng từ sự tác động nào đó thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam.

Chúng ta đang quá phụ thuộc vào DN FDI, khi FDI chiếm 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu và đóng góp hơn 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam?

Từ những số liệu này, chúng ta cần hướng đến một cái nhìn cầu thị, hiện thực hơn về tình hình xuất khẩu, tránh việc tự “ru ngủ” là một cường quốc xuất khẩu, trong khi đó giá trị gia tăng hàng xuất khẩu lại rất khiêm tốn. Riêng Samsung, năm 2016, xuất khẩu 34,3 tỷ USD, chiếm tới hơn 18% tổng lượng xuất khẩu.

Do vậy, vấn đề đặt ra cần có những chính sách thiết thực, cụ thể hỗ trợ DN trong nước, trong đó sớm triển khai nhanh, hiệu quả tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế và triển khai tinh thần Luật Hỗ trợ DNNVV để hỗ trợ khu vực kinh tế trong nước. 

Trong 10 năm trở lại đây, xuất khẩu tuy làm tăng sản xuất khoảng 12%, nhưng lan tỏa đến giá trị gia tăng vào GDP lại giảm (âm 13,3%) và lo ngại hơn, nó lan tỏa đến nhập khẩu tăng rất mạnh (52%). Ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?

Điều đó khẳng định, xuất khẩu ở thời điểm hiện nay không những là xuất sản phẩm thô, tài nguyên và sản phẩm gia công, mà còn gây nên nhập siêu mạnh. Giai đoạn từ năm 2000 đến nay, nền kinh tế Việt Nam luôn trong tình trạng nhập siêu cao. Từ 2005 - 2015, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI tăng lên nhanh chóng: Từ 57% năm 2005, lên 67% năm 2015. 

Nhưng nghịch lý là tỷ trọng đóng góp về giá trị gia tăng trong GDP của khu vực này lại không tăng lên đáng kể (từ 15,2% năm 2005 và 18,07% năm 2015). Điều này phần nào cho thấy khu vực FDI đang dần lấn lướt hoàn toàn khu vực kinh tế trong nước, nhưng hàm lượng giá trị gia tăng của khu vực FDI đóng góp vào nền kinh tế không tương xứng. Mặt khác, điều này cũng chỉ ra sản xuất của khối DN trong nước đang gặp khó khăn.

Để cải thiện tình hình, cách duy nhất là tăng năng lực và sức mạnh của các DN trong nước. Chúng ta vẫn nhìn thấy tốc độ tăng trưởng cao, nhưng không tăng giá trị, việc bây giờ là thu hẹp bớt khoảng cách này bằng tăng sức mạnh cho các DN trong nước. Bằng cách nào thì tùy thuộc vào từng lĩnh vực để lên phương án, đề án cụ thể.

Trân trọng cảm ơn ông!

Việt Anh (Thực hiện)