Có người ví miền núi tỉnh Quảng Ngãi giống như “Con gà đẻ trứng vàng đang ngủ quên”.Qủa thật là như vậy, so với các địa phương trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên, miền núi Quảng Ngãi là vùng đất giàu tiềm năng du lịch. Trước nhất nói về cơ sở hạ tầng, hiện nay điện, đường, trường, trạm ở miền núi Quảng Ngãi đã cơ bản ổn định.
Đường về các xã đã thông,xe ô tô có thể đi về các địa phương các huyện miền núi. Rừng và sông, suối cũng như những đặc sản của rừng có ở nhiều nơi. Bản sắc văn hóa vùng miền khá đa dạng và phong phú. Du lịch leo núi, và homstay là thuận lợi nhất. Về huyện Trà Bồng chúng ta hãy khám phá nét độc đáo của núi rừng miền Tây Quảng Ngãi.
Nơi đây, có đỉnh núi Cà Đam hùng vĩ cao hơn 1.400 mét so với mực nước biển. Có rừng quế lâu đời và có nhiều thác nước đẹp. Khí hậu ở đây khá giống với khí hậu Bà Nà, Đà Nẵng và Đà Lạt, Lâm Đồng. Ngoài cây quế, vùng đất này còn có cây sâm 07 lá và có những vườn cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Nơi đây vẫn còn những cánh rừng nguyên sinh cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Ngoài Cà Đam xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng còn có những dãy núi cao ở Trà Hiệp,Trà Thủy, Trà Giang, Trà Xinh quanh năm sương mù bao phủ. Núi Răng Cưa ở xã Trà Hiệp có những câu chuyện huyện thoại về người Cor Trà Bồng, Quảng Ngãi khá độc đáo. Hiện nay, nhờ sự quan tâm các Đảng bộ và chính quyền các xã nên cây quế bản địa và nét văn hóa cổ truyền của người Cor được bảo tồn gìn giữ phát huy. Để tỏ lòng kính trọng thương yêu Bác Hồ, năm 1969 khi nghe tin Bác Hồ đi xa, người Cor Trà Bồng, Quảng Ngãi đã tự nguyện xin Đảng, Nhà nước cho phép được lấy họ Hồ của Bác Hồ làm họ dân tộc Cor.
Vì thế hiện nay, nhiều gia đình ở các bản làng Cor con cháu đều mang họ Hồ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày 28/08/1959 người Cor mang họ Bác Hồ đã đứng lên làm cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miến Tây Quảng Ngãi lật đổ chế độ chế độ bù nhìn Ngô Đình Diệm. Ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa này, đã lan tỏa, tạo nên phong trào cách mạng khắp chiến trường miền Nam lúc bấy giờ.
Du lịch vùng đất quế Trà Bồng còn có nét văn hóa cổ truyền của người Cor như: Nghệ thuật điêu khắc cây nêu, nghệ thuật múa Cà Đáu, thổi kèn Amáp, hát Xà Ru Agiới và biểu diễn các bài Chiêng chào khách, tiễn khách, đấu Chiêng.
Miền núi Ba Tơ có tiềm năng du lịch cũng khá độc đáo. Hồ chứa nước Núi Ngang là xã cửa ngỏ huyện vùng cao Ba Tơ, Quảng Ngãi. Nơi đây có đội Chiêng người Hrê và có bản làng người Hrê đoàn kết tự nuôi cá hồ nuôi Núi Ngang để bán cho khách.
Từ hồ Núi Ngang chúng ta có thể chèo thuyền đi thăm vùng đất hữu tình núi rừng Sơn Liên, Ba Tơ, Quảng Ngãi. Cách Ba Liên không xa, là xã Ba Thành, Ba Tơ. Đây là xã độc đáo nhất huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi. Bởi vì nơi đây người Hrê còn giữ được làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm Hrê. Du khách chỉ cần đến làng Teng, Ba Thành, Ba Tơ, Quảng Ngãi là hiểu hết những đặc trưng văn hóa cổ truyền của người Hrê.
Hiện ở làng này, đã thành lập được HTX dịch vụ Nông – Lâm và bảo tồn văn hóa du lịch . Ba Tơ, Quảng Ngãi còn có nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách như: Núi Cao Muôn,Cao nguyên Bùi Hui,Thác nước đẹp ở Ba Vì, Ba Xa, Ba Giang, Ba Nam…Hiện Ba Tơ, Quảng Ngãi đã có hai di sản văn hóa phi vật thể là Chiêng Ba người Hrê và nghề dệt thổ cẩm làng Teng.
Các huyện miền núi Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long tiềm năng du lịch cũng có rất nhiều như: Du lịch Thác Trắng, Làng Ren và những đồi chè xanh các xã Long Môn, Thanh An, Long Hiêp, Long Mai, huyện Minh Long; Nước Trong,CờiOng, sông Re huyện Sơn Hà; Thác Lụa, đường Đông Trường Sơn, ruộng lúa rẫy bậc thang, vườn cau bạt ngàn ở huyện Sơn Tây …
Tuy nhiên, hiện nay du lịch các huyện miền núi Quảng Ngãi đang đứng trước thực trạng không có gói sản phẩm đặc trưng, không có nhà hàng khách sạn qui mô, không có dịch vụ Hom stay bài bản, không có hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, không có cửa hàng ăn uống hay dịch vụ đáp ứng phục vụ nhu cầu của khách.
Những địa chỉ du lịch mới hình thành như: Thác Trắng Minh Long, HTX Làng Teng, Ba Tơ, ẩm thực Cà Đú, Trà Bồng chưa có nhiều khách…Vì mới hình thành nên số lượng khách đến chưa nhiều và độ hài lòng của du khách chưa cao. Riêng chỉ có Suối Chí Nghĩa Hành là điểm hút khách nhất tỉnh. Vì đây là đơn vị biết khai thác tiềm năng du lịch sinh thái rừng và biết quảng bá thương hiệu, tổ chức sự kiện đúng thời điểm. Một yếu kém của du lịch miền núi Quảng Ngãi nữa là các địa phương chưa tạo mối liến kết giúp nhau phát triển du lịch, nguồn nhân lực làm du lịch chưa có chuyên môn sâu, dịch vụ du lịch còn yếu kém.
Và doanh nghiệp làm quảng bá du lịch chưa mạnh nên nhiều khách hàng trong nước chưa biết nhiều về đất nước, con người, văn hóa miền núi Quảng Ngãi. Cơ chế giúp các địa phương, cá nhân hay tập thể làm du lịch còn bị nhiều ràng buộc nên nhiều nơi doanh nghiệp chưa dám mạnh dạn đầu tư phát triển du lịch. Câu hỏi đến miền núi tỉnh Quảng Ngãi Chơi gì ? Vui gì ? Ăn gì ? Hiện vẫn chưa có lời giải !
Trần Đình Quang