Bài 3: Nông trường An Lộc có làm thất thoát tài sản Nhà nước?
Ông Nguyễn Đăng Sỹ, dù chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận quyền sử dụng đất, nhưng nhiều năm qua vẫn đâm đơn kiện ông Hoàng Trọng Thân, đòi di dời ki ốt trao trả đất lấn chiếm; mặc dù cơ quan chức năng đã khẳng định, phần đất này không liên quan với nhau…
Nhập nhèm tẩy xóa hồ sơ
Như TH&CL đã phản ánh, ông Nguyễn Đăng Sỹ, dù UBND xã Suối Tre khẳng định không có hồ sơ kê khai đất tại địa phương, vẫn đâm đơn kiện ông Hoàng Trọng Thân, yêu cầu buộc ông Thân phải di dời ki ốt, trả phần đất (bị coi là lấn chiếm) cho ông này.
Vì sao ông Sỹ lại tự tin năm lần bảy lượt vác đơn đi kiện với nhiều lý do khác nhau?
Nông trường An Lộc thời điểm hiện tại (Ảnh: Long - Vũ)
Năm 1985, Giám đốc Nông trường An Lộc khi đó là Võ Hữu (nay đã nghỉ hưu) ra quyết định cấp đất không số cho ông Nguyễn Đăng Sỹ. Tuy nhiên, tính xác thực của quyết định này có hay không thì không ai biết. Ông Sỹ dùng quyết định này làm bằng chứng đâm đơn kiện.
Có một điều phi lý: Quyết định ban hành từ năm 1985, thời điểm này, nông trường vẫn sử dụng máy gõ chữ (máy đánh chữ), nhưng ông Sỹ lại cung cấp cho Tòa quyết định được đánh máy bằng máy vi tính (?!).
Theo xác định của Nông trường An Lộc và Văn bản trả lời số 045/CV-NTAL ngày 28/5/2018 nêu rõ: Quyết định cấp đất không số ngày 30/7/1985 không có hồ sơ lưu lại Nông trường An Lộc. Vào năm 1985, nông trường chưa sử dụng máy vi tính để soạn thảo văn bản, chỉ sử dụng máy đánh chữ; trong khi đó, quyết định của ông Sy cung cấp cho Tòa lại sử dụng máy vi tính để soạn thảo?
Vị trí ki ốt tại đường Bình Lộc Suối Tre (Ảnh: Long - Vũ)
Căn nhà tình nghĩa cấp cho ông Sỹ, được thanh lý cây cao su năm 1986. Sau đó, cấp đất làm nhà cho CBCNV. Trong khi quyết định của nông trường, ông Sỹ cung cấp tại Tòa lại ghi ngày 30/7/1985 (thời điểm chưa thanh lý cây cao su)!
Năm 1997, Nông trường An lộc sử dụng con dấu hình vuông, năm 1998 mới sử dụng con dấu hình tròn, huyện Long Khánh. Trong khi nguyên đơn là ông Sỹ lại trình lên cấp tòa quyết định cấp đất của nông trường con dấu hình tròn của huyện Long Khánh (?!).
Ở một diễn biến khác, từ năm 1985 đến năm 1992, ông Sỹ là nhân viên bảo vệ Nông trường An Lộc; năm 1993 đến năm 1998, đi lao động tại Cộng hòa Dân chủ Đức; năm 1998 đến năm 2001, làm công nhân cơ khí vận tải; từ năm 2005 đến nay, là nhân viên bảo vệ Nông trường An Lộc. Trong khi quyết đinh cấp đất ông Sỹ cung cấp cho Tòa án lại là công nhân Xí nghiệp Cơ khí điện - Công ty Cao su Đồng Nai. Liệu có sự nhập nhèm tẩy xóa ở đây hay không?
Theo luật sư Phạm Duy Hiển - Văn phòng Luật sư Phạm Duy - Chi nhánh Đồng Nai, căn cứ vào khoản 1, Điều 95 - Luật Đất đai năm 2013 quy định:
“Đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu”.
Và theo Điều 100 - Luật Đất đai năm 2013 thì, ông Sỹ hoàn toàn có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận khi đi đăng ký và không cần phải nộp tiền sử dụng đất.
Vậy tại sao trong một khoảng thời gian dài từ khi ông Sỹ được cấp quyết định bàn giao căn nhà tình nghĩa (ngày 24/7/2007 đến trước khi ông nộp đơn khởi kiện), thì thửa đất số 70 lại “hiện chưa được ai kê khai đăng ký, chưa được cấp GCNQSDĐ” như công văn của UBND thị xã Long Khánh xác định?
Hai là, nếu thửa đất ông Sỹ được Tổng công ty Cao su Đồng Nai thật sự cấp, thì tại sao ông Sỹ vẫn phải làm giả quyết định và lùi thời gian ký quyết định làm gì?
Dư luận nhận định, rõ ràng đây là một chứng cứ giả tạo!
Quyết định cho thuê đất của Nông trường (Ảnh: HD)
Tại Quyết định 031/94/Al-QĐ ký ngày 15/8/1994 của Nông trường An Lộc ban hành chấp thuận cho hộ bà Nguyễn Thị Mừng thuê mặt bằng tại khu vực Đội 3 (lô số 21, chạy dọc đường nhựa Đội 3), tạm thời thuê mặt bằng với diện tích 7x8=56 m2, phải tuân thủ mọi quy định của nông trường về đường xá, nhà ở.
Khi được cấp đất cho thuê, gia đình bà Mừng đã được cán bộ nông trường xuống đo đạc, cắm cọc giới. Hơn nữa, phần đất này cũng đã nhiều lần được khẳng định qua các văn bản xác minh là nằm trong đất lộ giới.
Nông trường có đang lãng phí tài sản công?
Trở lại với trường hợp của ông Sỹ năm 1985 đến năm 1992, ông Sỹ là nhân viên bảo vệ Nông trường An Lộc; năm 1993 đến năm 1998, đi lao động tại Cộng hòa Dân chủ Đức; năm 1998 đến năm 2001, làm công nhân cơ khí vận tải; từ năm 2005 đến nay, là nhân viên bảo vệ Nông trường An Lộc.
Ông này được cấp đất theo NĐ61 theo diện cấp nhà cho CBCNV (theo lý giải của Tổng công ty Cao su Đồng Nai), nhưng quyết định cấp nhà ban hành lại không số, không có hồ sơ lưu.
Vậy, có phải nông trường "thích cấp cho ai thì cấp" và "cấp bao nhiêu cũng được"?
Được biết, diện tích đất được cấp bằng quyết định không số này là 1.296,3 m2 trên đất có căn nhà tình nghĩa. Căn nhà tình nghĩa được UBND huyện Long Khánh lúc bấy giờ thu hồi đất của nông trường, cấp cho gia đình chính sách.
Vậy, Nông trường An Lộc có được quyền cấp đất cho CBCNV?
Đất nông trường là tài sản của Nhà nước. Mà tài sản của Nhà nước, chỉ được phục cho các công trình công cộng, có được cấp cho cá nhân?
Đặt giải thiết được cấp đất, thì diện tích đất tối thiểu là bao nhiêu và tối đa là bao nhiêu và điều này, có được quy định bằng văn bản?
Trụ sở UBND phường Suối Tre (Ảnh: Long - Vũ)
Trong khi đó, tính từ thời điểm được cấp đất, đến năm 2003, ông Sỹ hoàn toàn có thể làm thủ tục kê khai để nhận GCNQSDĐ, tại sao lại không làm?
Ngày 17/4/2019, trong biên bản xác minh tại UBND xã Suối Tre với cán bộ Tòa án về nguồn gốc đất của ông Nguyễn Đăng Sỹ, tại thửa đất số 70, Tờ bản đồ số 38, UBND xã Suối Tre khẳng định, ông Nguyễn Đăng Sỹ không đăng ký kê khai tại địa phương, không có hồ sơ tại địa phương.
Điều này, có thể phần diện tích 1.296,3 m2 đất của ông Sỹ vẫn là đất thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, vì khi nông trường bàn giao đất về địa phương theo QĐ823 có diện tích 1.296,3 m2, theo thửa số 7, Tờ bản đồ số 989a.
Dư luận lên tiếng: Ông Sỹ có quyền đâm đơn kiện hay không và tại sao đất thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, mà Tòa lại xử cho cá nhân?...
Hải Dương