Tình trạng ùn tắc giao thông, không đảm bảo an toàn cho các phương tiện vào giờ cao điểm. (Ảnh: NGUYỄN VĂN VIỆT)
Ngày 12/2/2017, dự án cầu vượt Dầu Giây kết nối quốc lộ 20 với quốc lộ 1 đoạn qua ngã tư thị trấn Dầu Giây của huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai được khởi công xây dựng. Theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào tháng 3/2018, khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ giải quyết “điểm đen” giao thông trên quốc lộ 1. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm triển khai, đến nay gần hết tháng 11/2020, nhưng dự án mới chỉ đạt tiến độ khoảng 60% về xây dựng. Còn dự án đã dừng thi công từ tháng 1/201, điều này đã gây ra nhiều hệ lụy kéo theo đối với người dân và chính quyền địa phương nơi đây.
Dự án gồm có các hạng mục chính là xây dựng cầu vượt Dầu Giây dọc theo quốc lộ 1, mặt cắt ngang cầu 16m với 4 làn xe cơ giới. Phần nút giao được mở rộng cả trên quốc lộ 1 và quốc lộ 20; mở rộng một đoạn quốc lộ 20 dài khoảng 1,5km từ nút giao Dầu Giây về hướng TP.Đà Lạt... Dự án được đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng bằng nguồn vốn dư thuộc dự án khôi phục, cải tạo quốc lộ 20 đoạn Dầu Giây - Bảo Lộc.
Việc đại công trình đang thi công bỗng dừng lại khiến mọi thứ đảo lộn. Đầu tiên là giao thông khu vực xung quanh ngã tư Dầu Giây tồi tệ hơn bao giờ hết. Nút giao Dầu Giây từ lâu là tên gọi khá quen thuộc với giới xe tải xe khách vì là ngã ba (hiện đã là ngã tư) cắt qua quốc lộ 1A lên thành phố sương mù Đà Lạt, giờ đây trở thành nỗi ám ảnh đáng sợ khi đi qua. Ùn tắc, kẹt xe hàng cây số, kéo dài hàng giờ là cảnh quen thuộc ở đây 2 năm nay.
Công trình vẫn ngổn ngang, gây ảnh hưởng đến vệ sinh trường cũng như cuộc sống của người dân tại khu vực này. (Ảnh: NGUYỄN VĂN VIỆT)
Có mặt tại đại công trường dự án cầu vượt Dầu Giây, PV ghi nhận tại hiện trường, công trình ngổn ngang, bê tông, sắt thép nằm im hoen rỉ, các biện pháp phân làn, tổ chức giao thông không được đơn vị thi công tổ chức thực hiện nên thường xuyên xảy ra ùn ứ giao thông. Trên công trường chỉ còn lại duy nhất một người bảo vệ hai tháng nay chưa trả lương.
Những cư dân sinh sống đoạn khu vực Dầu Giây cho biết, cảnh kẹt xe hàng ngày, cộng với không khí nóng bức, bụi khói đã đe dọa nghiêm trọng cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của họ cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa kể đến ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông…
Nhiều hộ dân cho biết, lắm lúc họ muốn chuyển nhà đi nơi khác để sống, khổ nhất là mùa nắng, bụi lúc nào cũng bám đầy nhà, phải dùng bạt để che chắn và dội nước thường xuyên trước nhà để hạn chế bụi, còn hoạt động buôn bán thì cầm chừng, vì không ai muốn dừng lại để mua hàng.
“Từ khi thi công đến nay, đã có hàng chục nạn nhân tử vong cùng vô số vụ tai nạn gây thương tâm tại công trình này. Nguyên nhân chính là do khi lưu thông qua đoạn cua để vào đường cong tránh cầu vượt có đoạn rất tối, có đoạn thì bị bóng đèn chói mắt vì bị treo cẩu thả. Một người chạy xe ôm tại nút giao Dầu Giây vừa nói vừa chỉ tay về hướng dự án.
Còn đối với người thường xuyên phải đi quan đoạn đường này như anh Nguyễn Như Hải, người thường xuyên đi làm qua đoạn đường này bức xúc cho biết, mỗi lần đi làm qua đây rất vất vả, có hôm tắc đường cả mấy km, phải mất hơn tiếng đồng hồ mới thoát ra được. “Không biết đến bao giờ công trình mới hoàn thành để người dân đỡ khổ”, anh Hải thở dài ngao ngán.
Bảng thông tin của dự án. (Ảnh: NGUYỄN VĂN VIỆT)
Trước những bất cập đang tồn tại tại dự án cầu vượt Dầu Giây, trao đổi với báo chí, ông Mai Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cho biết, khi làm dự án đầu tư xây dựng, khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 trên địa bàn hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng phục vụ dự án bauxite ở Lâm Đồng còn dư kinh phí nên Bộ Giao thông Vận tải xin Thủ tướng Chính phủ cho làm cầu vượt Dầu Giây để giải tỏa ách tắc giao thông trên Quốc lộ 1A và Quốc lộ 20. Khi được Thủ tướng chấp thuận, công trình cầu vượt Dầu Giây với kinh phí gần 300 tỷ đồng được khởi công vào đầu năm 2017, dự kiến sau một năm sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay công trình này đang tạm ngừng thi công, gây bức xúc cho người dân sống xung quanh, tiềm ẩn tai nạn giao thông cao.
Theo lãnh đạo UBND huyện Thống Nhất, nguyên nhân chậm trễ do chủ đầu tư là Bộ Giao thông Vận tải không cấp đủ vốn cho nhà thầu nên việc thi công theo kiểu cấp tiền đến đâu thi công đến đó, công trình được thi công theo kiểu xây dần, có tiền đến đâu xây đến đó. Tình trạng này đã diễn ra nhiều lần, từ lãnh đạo huyện Thống Nhất đến lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai liên tục làm việc, có ý kiến và gửi nhiều văn bản hối thúc chủ đầu tư, nhà thầu thi công nhưng vẫn chưa có kết quả.
Theo ông Trần Quang Tuấn, Trưởng Phòng Kinh tế & Hạ tầng, UBND huyện Thống Nhất: “Đến nay, đã có ít nhất 4 văn bản gửi đơn vị thi công đôn đốc việc thực hiện đảm bảo an toàn và đẩy nhanh tiến độ. Thanh tra Giao thông Cục Quản lý đường bộ cũng nhiều lần lập biên bản phạt hành chính vì thi công mất an toàn rồi nhưng tình hình vẫn vậy”.
Một dự án lớn, được triển khai với mục đích xóa “điểm đen” về ùn tắc giao thông, nay lại trở thành nỗi “ám ảnh” của người dân, còn chính quyền địa phương muốn cấp vốn tạm ứng trước thì lại phải chờ cái “gật đầu” từ Trung ương… những điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân nơi đây.
Trước thực trạng trên, nhận thấy UBND tỉnh Đồng Nai, Bộ Giao thông Vận tải, cơ quan chức năng nhanh chóng quyết vấn đề, đảm bảo dự án sớm được thi công trở lại để đời sống người dân quay trở lại cuộc sống bình thường, không bị xáo trộn.
Hoàng Dương - Nguyễn Tùng