Theo Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 15/9/2021, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 14 tỷ USD, chỉ thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng trong tháng 8 năm 2021, Việt Nam thu hút được 2,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký, tăng 65% so với tháng 7. Vốn FDI đăng ký cao hơn chủ yếu do vốn đăng ký cấp mới đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng. Mức tăng này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam.
Có thể nói, ở thời điểm hiện tại, môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam trước mắt vẫn có một số điểm tích cực giúp giữ chân nhà đầu tư.
Tuy nhiên, với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay - đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm công suất tối đa, thậm chí là đóng cửa tạm thời do không đáp ứng được yêu cầu phòng dịch của chính quyền địa phương (đặc biệt là yêu cầu bố trí sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”).
Một số doanh nghiệp đang buộc phải chịu lỗ để thực hiện phương án “3 tại chỗ” nhằm đảm bảo tiến độ các đơn hàng đã ký kết, tuy nhiên do sức ép về tài chính, các doanh nghiệp sẽ không thể bảo đảm sản xuất trong dài hạn. Đồng thời, nguy cơ thiếu hụt lao động sau khi phục hồi kinh tế cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc khôi phục hoạt động của các doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ khách hàng quốc tế sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác. Sức mua trong nước giảm, chuỗi cung ứng thay đổi, vấn đề mất lao động, tuyển dụng lại lao động… đều làm tăng chi phí đầu tư, từ đó làm giảm triển vọng của nhà đầu tư.
Việc doanh nghiệp buộc phải thích ứng với tình hình mới, nối lại chuỗi sản xuất bên cạnh công tác kiểm soát dịch bệnh cần được ưu tiên và nỗ lực thực hiện lúc này.
Theo giới chuyên gia, do tính chất gắn kết chặt chẽ, hữu cơ, liên tục của chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị các ngành công nghiệp trên thế giới, nếu Việt Nam không thể tận dụng cơ hội từ sự phục hồi kinh tế của các thị trường lớn và đánh mất các đơn hàng cung ứng cho các quốc gia này trong thời gian tới, sẽ tạo điều kiện cho quốc gia khác thay thế Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Trong trường hợp gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, các nhà mua hàng và sản xuất lớn sẽ tìm kiếm sự bù đắp thiếu hụt chuỗi cung ứng từ quốc gia khác. Việc quay trở lại chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cực kỳ khó khăn và cần phải có quá trình lâu dài.
Thực tế cho thấy, khi dịch bùng phát ở một số quốc gia vào năm 2020, các công ty đa quốc gia buộc phải chuyển đơn hàng đi qua các nước chưa bị ảnh hưởng dịch, trong đó có Việt Nam. Việt Nam phải xem đó là bài học để không bị mất đi cơ hội và lợi thế của mình. Yêu cầu các nhà máy đóng cửa quá lâu buộc các doanh nghiệp phải tính toán sẽ tiếp tục giữ đơn hàng ở lại hay chuyển dần đi vì không có gì đảm bảo kết quả sau một hai tháng sẽ được cải thiện nếu không có sự vào cuộc và hỗ trợ từ phía Chính phủ.
Do vậy, trong ngắn hạn, ưu tiên của Bộ Công Thương vẫn là phối hợp với các bên liên quan để đưa ra được các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất duy trì sản xuất, lưu thông hàng hoá thuận lợi, hàn gắn, kết nối loại chuỗi cung ứng.
Trong dài hạn, trọng tâm vẫn là những gì mà Bộ đã và đang triển khai, đó là hoàn thiện khung pháp lý, khung chính sách nhằm tạo thuận lợi cho ngành công nghiệp phát huy tiềm năng, vai trò huyết mạch của nền kinh tế; hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp trong nước, tạo cơ hội phát triển các doanh nghiệp đầu tàu, hình thành chuỗi cung ứng, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, để ngành công nghiệp trong nước phát triển bền vững, đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XIII.
Anh Minh