Theo khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của thị trường vẫn rất lớn nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến việc thu hoạch và sản xuất bị ảnh hưởng, công suất tại các nhà máy chế biến thủy sản giảm mạnh.

Thống kê hiện có 324/449 cơ sở chế biến thủy sản đáp ứng yêu cầu "3 tại chỗ" tiếp tục sản xuất, chiếm 72%. Công suất của nhiều nhà máy chỉ khoảng 30 - 50% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16 do thiếu công nhân hoặc chia ca để phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, lượng tôm bố mẹ hiện có khoảng 55.000 con, giống cá tra chủ động sản xuất được khoảng 150 - 200 triệu con/tháng đáp ứng đủ nhu cầu thả nuôi.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cả nước hiện có 120 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản, trong đó có 56 nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài với công suất thiết kế khoảng 5,2 triệu tấn/năm và 64 nhà máy có vốn đầu tư trong nước với công suất thiết kế khoảng 4,7 triệu tấn/năm đủ cung cấp thức ăn cho nuôi trồng.

Trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến thủy sản đang phải đối mặt với hai khó khăn lớn.

Về khâu vận chuyển, mỗi tháng các cơ sở nuôi trồng giống cần vận chuyển khoảng 7 tỷ tôm giống từ Nam Trung Bộ và khoảng 150 nghìn tấn thức ăn từ khu vực Đồng Nai, Bình Dương vào Tây Nam Bộ.

Tuy nhiên, vận chuyển cả đường bộ và đường thủy vẫn khó khăn do cơ sở sản xuất con giống, thức ăn không cùng địa bàn, phải qua các địa phương khác nhau.

Về khâu tiêu thụ, một số nhà máy phải tạm ngừng hoạt động do thiếu công nhân, không đáp ứng yêu cầu "3 tại chỗ" đang gây khó khăn cho các cơ sở nuôi đến kỳ phải thu hoạch sản phẩm.

Đặc biệt, các tháng cuối năm 2021 là thời kỳ thu hoạch chính đối với tôm, cá tra. Do vậy, cần phải tích cực tháo gỡ những khó khăn để duy trì hoạt động của nhà máy chế biến.

Hiện nay một số nhà máy chế biến thủy sản như CTCP Vĩnh Hoàn đã huy động đội ngũ công nhân đi thu hoạch cá tra trên diện tích thả nuôi nằm ở nhiều tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang và gặp khó khăn đi lại giữa các tỉnh của các đội sản xuất.

Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất các tỉnh, thành phố cần có cơ chế phối hợp giữa các tỉnh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo vận chuyển thông suốt để duy trì sản xuất và xuất khẩu.

Đồng thời, các địa phương cần có chính sách ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng trong chuỗi cung ứng như tài xế, ghe, sà lan vận chuyển, công nhân tại các nhà máy...

Tổ công tác cũng sẽ tiếp tục kết nối các đầu mối sản xuất với tiêu thụ, giải tỏa những bế tắc của người dân và doanh nghiệp.

Bảo Lâm