6.309 tỉ xây dựng khu liên hợp thể thao Hàng Đẫy
Mới đây ngày 4-10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có văn bản gửi về việc đầu tư xây dựng tổ hợp thể thao sân vận động Hàng Đẫy. Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng khu liên hợp thể thao để phục vụ các hoạt động thể thao, sự kiện văn nghệ, văn hoá lớn, đặc biệt là SEA Games 31 dự kiến diễn ra tại Hà Nội vào năm 2021.
Văn bản do ông Chung ký cho biết khu vực đề xuất nghiên cứu lập dự án có tổng diện tích khoảng 32.158 m2 đất bao gồm đất hiện tại của sân vận động Hàng Đẫy (23.433 m2), đất của nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức (6.938 m2) và khu đất của Sở KH&ĐT (1.787 m2). Doanh nghiệp được đề nghị giao khu đất này là T&T của “Bầu” Hiển (ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc tập đoàn T&T). Đây là khu đất có vị trí đẹp nằm ở phường Cát Linh (quận Đống Đa) với nhiều trục đường chính vây quanh như phố Trịnh Hoài Đức, phố Cát Linh…
Phối cảnh dự án Tổ hợp thể thao sân vận động Hàng Đẫy.
Theo đề xuất khu liên hợp thể thao này sẽ xây dựng 3 hạng mục gồm: Sân vận động kết hợp thương mại dịch vụ (trên nền sân vận động Hàng Đẫy hiện tại) với quy mô 2 vạn chỗ ngồi, chiều cao 35 m, 4 tầng hầm (hai tầng làm thương mại dịch vụ, 2 tầng làm bãi đỗ xe); Khu vực nhà thi đấu đa năng kết hợp thương mại dịch vụ và văn phòng (trên nền đất nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức) với quy mô 1.500 chỗ ngồi, chiều cao 35 m (8 tầng, 1 tum) với 4 tầng hầm (2 tầng để xe, 2 tầng làm thương mại dịch vụ); Khu thứ 3 là khu văn phòng kết hợp quảng trường (xây trên đất của Sở KH&ĐT hiện nay) với chiều cao 23,05 m (tương đương 5 tầng), 4 tầng hầm…
Tổng vốn đầu tư dự kiến để thực hiện dự án này là 6.309 tỷ đồng, hình thức đầu tư theo hình thức xã hội hoá, do doanh nghiệp tự thu xếp 100% vốn đầu tư trong suốt thời gian thực hiện dự án. Nhà đầu tư được khai thác và vận hành công trình 50 năm sau đó bàn giao lại cho Nhà nước. Dự kiến nếu được các cấp có thầm quyền cho phép triển khai thì đến tháng 10-2021, dự án sẽ hoàn thiện đưa vào sử dụng để kịp thời phục vụ SEA Games 31.
Xin cơ chế đặc biệt, không qua đấu giá
Theo báo cáo của Chủ tịch , chủ trương giao doanh nghiệp quản lý, đầu tư khai thác vận hành sân vận động Hàng Đẫy có từ tháng 1-2017. Tháng 5-2017, đích thân Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng đã có buổi làm việc với T&T về phương án thiết kế sân vận động Hàng Đẫy. Đến ngày 5- 9-2017, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo trình Thường trực Thành uỷ về đề án đầu tư xây dựng Sân vận động Hàng Đẫy. Và đến ngày 23-7-2018, UBND TP Hà Nội đã chính thức trình Thường trực Thành uỷ Hà Nội về việc T&T đầu tư xây dựng tổ hợp thể thao, sân vận động Hàng Đẫy theo hình thức xã hội hoá. T&T sẽ tự thu xếp 100% vốn đầu tư trong thời gian thực hiện dự án, đổi lại đơn vị này được khai thác, vận hành công trình này trong thời gian 50 năm.
Báo cáo của Hà Nội cũng cho hay hiện hơn 3,2 ha đất trên (gồm sân vận động Hàng Đẫy, Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức, Sở KH&ĐT…) hiện đều là đất công, được giao cho một một số cơ quan, đơn vị của Nhà nước sử dụng, quản lý. Nếu thực hiện dự án Tổ hợp thể thao sân vận động Hàng Đẫy thì sẽ phải sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định. Theo đó, Hà Nội đề nghị giao hơn 3,2 ha đất này cho T&T theo phương thức đặc thù, đặc biệt – tức hình thức khác (quy định tại điều 7 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP).
“Để đầu tư dự án Tổ hợp thể thao với mục tiêu hiện đại hoá các cơ sở vật chất phục vụ thể thao tạo ra công trình đồng bộ, hiện đại để đăng cai các sự kiện thể thao khu vực và châu lục. Nhất là trong bối cảnh Hà Nội được chọn là nơi tổ chức SEA Games 31 vào tháng 10-2021. Thời gian chuẩn bị không còn nhiều, phải hoàn thành công trình trong khoảng 36 tháng với tiến độ gấp gáp, dự án có tổng vốn đầu tư lớn, dự kiến 6.309 tỷ thuộc lĩnh vực thể dục thể thao là lĩnh vực khuyến khích xã hội hoá (theo quy tại Nghị định số 69/2008, Nghị định 59/2014), có thời gian thu hồi vốn chậm, kéo dài. Với các lý do nêu trên nên dự án là trường hợp đặc thù, đặc biệt, cần triển khai nhanh nên phương án sắp xếp các cơ sở nhà, đất này được thực hiện theo hình thức khác” – văn bản này nêu.
Cũng với lý do này, Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chấp thuận cơ chế triển khai dự án Tổ hợp thể thao Sân vận động Hàng Đẫy theo thủ tục Quyết định chủ trương đầu tư của Luật đầu tư mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm I khoản 2 điều 118 Luật Đất đai.
Văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ngày 4-10-2018 cũng nêu rõ T&T là đối tác có năng lực tài chính, hoạt động trong lĩnh vực thể thao, đã có quá trình nghiên cứu đề xuất phương án thiết kế, xây dựng lại sân vận động Hàng Đẫy. Đặc biệt ngày 27-3-2018, T&T đã ký biên bản ghi nhớ với Bouygues Batiment Internaytional (một tập đoàn thành lập tại Pháp) về việc hợp tác đầu tư dự án cải tạo sân vận động Hàng Đẫy trị giá 250 triệu euro dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Cộng hoà Pháp Emmanuel Macron (nhân chuyến thăm chính thức Cộng hoà Pháp của Tổng Bí thư vào dịp cuối tháng 3-2018).
Theo PLO