Nền kinh tế Việt Nam đã từng bước mở cửa trong suốt 30 năm qua, với nhiều hiệp định thương mại được ký kết sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2007, thúc đẩy đầu tư nước ngoài trực tiếp, xuất khẩu và phát triển kinh tế.
Luồng vốn FDI đạt trung bình 7,3 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2007–2014. Thương mại quốc tế phát triển làm cho tỉ trọng thương mại so với GDP tăng đến 170%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa công nghiệp tăng mạnh trong 5 năm vừa qua khi các công ty đa quốc gia xây dựng cơ sở sản xuất ở Việt Nam để lắp ráp sản phẩm như điện thoại di động và hàng điện tử, hoặc để sản xuất linh kiện như một công đoạn trong chuỗi sản xuất toàn cầu của họ.
Tuy nhiên, phần đóng góp chính của Việt Nam vào chuỗi sản xuất này vẫn là lao động kỹ năng thấp. Chi phí nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu vào Việt Nam ước tính lên đến 90% giá trị xuất khẩu các sản phẩm chế tác của Việt Nam ra nước ngoài. Sự thịnh vượng kinh tế trong tương lai phụ thuộc nhiều vào việc đưa các DN trong nước tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, để các DN được hưởng lợi từ nguồn vốn và công nghệ từ nước ngoài, tiếp cận với thị trường thế giới, và tạo tác động lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế.
Tại thời điểm này, các DNNVV của Việt Nam nhìn chung vẫn thiếu năng lực tham gia vào chuỗi cung cấp cho các nhà máy nước ngoài đầu tư. Chỉ có 36% DN Việt Nam hội nhập vào mạng lưới sản xuất cho xuất khẩu, so với gần 60% ở Malaysia và Thái Lan. Chỉ có 21% DNNVV của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, và tỷ trọng đóng góp của DNNVV vào xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác. Mặc dù Chính phủ vẫn đang hỗ trợ phát triển công nghiệp theo chiều sâu và phát triển DNNVV, song do thiếu sự phối hợp liên ngành nên chính sách còn manh mún và việc thực hiện còn yếu kém.
Do đó, đề xuất về một dự án luật mới cho DNNVV sẽ là một cơ hội để giải quyết các vướng mắc, yếu kém này. Bên cạnh đó, tăng cường tham vấn với khu vực tư nhân sẽ cung cấp thông tin nhiều hơn cho chính phủ về những hạn chế đang ngăn cản sự kết nối với các mạng lưới sản xuất. Khu vực tư nhân cần tham gia nhiều hơn vào các sáng kiến thiết kế cho sự phát triển của khu vực này. Ví dụ, thành công của Viện Quản trị Công ty được đề xuất mới đây, với mục tiêu tăng cường công tác quản trị công ty, sẽ phụ thuộc vào việc thu hút tài trợ và sự ủng hộ từ khu vực tư nhân.
Các chiến lược ngành cũng đóng vai trò cần thiết. Đối với các DN sản xuất, khuyến khích sự phát triển của các cụm DN sẽ góp phần tạo ra quy mô kinh tế, chia sẻ kiến thức, giảm chi phí giao dịch và vận tải.
Ngành nông nghiệp sẽ được hưởng lợi từ việc cải thiện các tiêu chuẩn cấp chứng chỉ sản phẩm và quản lý nguồn lợi hải sản tốt hơn.
Đầu năm 2015, Thủ tướng đã phê duyệt lựa chọn năm ngành ưu tiên để phát triển các cụm công nghiệp và chuỗi giá trị sản phẩm: điện tử, dệt, chế biến thực phẩm, máy móc nông nghiệp và du lịch. Cần xây dựng kế hoạch hành động cho các ngành này để tập trung hỗ trợ cho các chuỗi cung ứng đó, phát huy tối đa tiềm năng lan tỏa của vốn FDI đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, theo các thước đo giá trị gia tăng trong nước, tạo công ăn việc làm và thu ngân sách.
Hà Thu