ĐBQH Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH Thanh Hóa) góp ý về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
ĐBQH Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH Thanh Hóa) góp ý về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

Tham gia góp ý, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa thống nhất cao với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý đối với dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Để góp phần tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Mai Văn Hải đã góp ý một số ý kiến cụ thể đó là: Về giải thích từ ngữ quy định tại Điều 2. Theo đó tại khoản 5 giải thích về khái niệm “Khu chức năng” không đề cập tới một trong những khu chức năng rất phổ biến đó là “Cụm công nghiệp”. Trên thực tế tại nhiều địa phương có sự hình thành và phát triển của nhiều cụm công nghiệp.

Do vậy, đề nghị cần làm rõ “Cụm công nghiệp” có phải là một trong những khu chức năng không để bổ sung vào nội dung giải thích từ ngữ tại khoản 5 nêu trên nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và thuận tiện khi thực thi luật.

Về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn theo quy định tại Điều 3 dự thảo Luật. Theo đó, để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật liên quan tới quy hoạch, đề nghị: Bổ sung và làm rõ vai trò, vị trí của các “Phương án quy hoạch hệ thống đô thị, phương án quy hoạch nông thôn” thuộc quy hoạch tỉnh theo quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch 2017 với hệ thống các quy hoạch đô thị và nông thôn trong dự thảo luật này.

Xác định và làm rõ tính thống nhất trong việc lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị và nông thôn theo quy định tại Điều 28 Luật Quy hoạch 2017 với quy định tại khoản 1 Điều 3 dự thảo luật này.

Tại điểm b khoản 5, đề nghị quy định rõ quy mô tối thiểu của khu chức năng cần phải lập quy hoạch phân khu, để tránh tình trạng khu chức năng có quy mô nhỏ và rất nhỏ cũng phát sinh thêm bước lập quy hoạch phân khu không phù hợp với mức độ thể hiện của đồ án.

Tại điểm c khoản 5 quy định việc lập quy hoạch phân khu đối với các khu vực cần lập theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan. Đề nghị cần làm rõ các khu vực này là gì? để tránh phải tra cứu nhiều quy định tại các luật khác nhau khi xác định loại hình quy hoạch cần lập tại mỗi khu vực.

Về các trường hợp liên quan đến phạm vi ranh giới và địa giới hành chính khi lập quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 5). Theo đó, để tạo thuận lợi cho việc sắp xếp đơn vị hành chính, cũng như việc thành lập, nhập đơn vị hành chính theo yêu cầu thực tiễn, đề nghị bổ sung quy định cho các trường hợp sau đây: Trường hợp quy hoạch để sáp nhập toàn bộ địa giới 1 đô thị (thành phố, thị xã thuộc tỉnh) với 1 hay nhiều huyện (trường hợp này cần xác định rõ là quy hoạch điều chỉnh, mở rộng đô thị hiện hữu hay quy hoạch đô thị mới).

Trường hợp sắp xếp, nhập, thành lập đơn vị hành chính trên cơ sở các đơn vị hành chính cùng cấp mà làm giảm từ 1 đơn vị hành chính trở lên, thì không áp dụng quy định về sự phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quy hoạch đô thị và nông thôn của đơn vị hành chính thực hiện sau khi cơ quan có thẩm quyền quyết nghị việc sắp xếp, nhập, thành lập đơn vị hành chính mới.

Về thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 40). Theo đó, tại điểm b khoản 2, đề nghị xem xét bỏ đối tượng “khu chức năng” vì quy hoạch chung khu chức năng chỉ được lập cho khu kinh tế và khu du lịch quốc gia hoặc được định hướng là khu du lịch quốc gia (các khu chức năng còn lại không lập quy hoạch chung). Hơn nữa, 2 loại hình quy hoạch chung này, đã thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, vì vậy UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chung khu chức năng là không phù hợp.

Tại khoản 4 đề nghị xem xét loại bỏ khoản 4 bởi lẽ nội dung quy định: "Cơ quan nhà nước quản lý khu chức năng phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trong khu chức năng..." có sự chồng chéo với thẩm quyền phê duyệt của UBND huyện đối với quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên địa bàn huyện quản lý được quy định tại khoản 3 Điều 40. Thực tế hiệu quả việc giao các ban quản lý phê duyệt quy hoạch là không cao, gây chồng chéo.

Tại khoản 5 có nội dung quy định về việc báo cáo HĐND các cấp trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt quy hoạch, đề nghị làm rõ nội dung và hình thức báo cáo, báo cáo để xin ý kiến HĐND hay báo cáo để HĐND thông qua bằng nghị quyết. Làm rõ việc phân cấp việc thông qua, xin ý kiến HĐND các cấp phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND từng cấp theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Khoản 1 Điều 49 dự thảo Luật quy định: “Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày quy hoạch đô thị và nông thôn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, toàn bộ nội dung của quy hoạch phải được công bố công khai, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước...”.

Đề nghị xem xét sửa đổi lại nội dung quy định vừa nêu trên bởi lẽ các nội dung có sự mâu thuẫn, không bảo đảm tính logic. Đồng thời, với quy định đó sẽ không bảo đảm tính khả thi khi vừa yêu cầu công khai “toàn bộ” nội dung của quy hoạch vừa phải bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Lê Huy