Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị.

Theo đó, ngày 10/11/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 4511/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025.

Đây là lần đầu tiên Thanh Hóa công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và UBND cấp huyện.

Bộ Chỉ số DDCI Thanh Hóa được xây dựng gồm 8 chỉ số thành phần: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động và vai trò của người đứng đầu; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ DN; thiết chế pháp lý; tiếp cận đất đai.

Trong đó, các chỉ số từ 1 đến 7 được dùng để chấm điểm, xếp hạng đối với nhóm 25 sở, ban, ngành cấp tỉnh; các chỉ số từ 1 đến 8 được dùng để chấm điểm, xếp hạng đối với nhóm 27 UBND cấp huyện, thị xã, thành phố.

Được biết, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI) được xây dựng nhằm đo lường chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các cơ quan chính quyền cấp huyện và sở, ngành - những cấp chính quyền có quan hệ trực tiếp với các cơ sở kinh tế trên địa bàn như hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và các nhà đầu tư.

Theo đó, đã có 4.450 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá được lựa chọn để gửi phiếu khảo sát bản in. Ngoài khảo sát bằng phương pháp bưu chính, cán bộ khảo sát đã đa dạng hóa các hình thức khảo sát trực tiếp, khảo sát online, khảo sát qua điện thoại… để bảo đảm tiến độ đề ra. Kết quả, có 1.124 đơn vị tham gia khảo sát với 2.048 phiếu khảo sát hợp lệ để đưa vào xử lý dữ liệu tính toán, xếp hạng.

Kết quả công bố Bộ chỉ số DDCI Thanh Hóa năm 2021, bên cạnh các đơn vị có xếp hạng tốt như Sở Công Thương, Cục Hải quan tỉnh, Sở Tư pháp, Văn phòng UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh với phổ điểm từ 71,01 tới 78,66 thì Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá và 3 sở là Sở Y tế, Sở Ngoại vụ, Sở Tài nguyên Môi trường xếp hạng chưa tốt với phổ điểm từ 32,04 tới 48,82.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá và 3 sở là Sở Y tế, Sở Ngoại vụ, Sở Tài nguyên Môi trường... xếp hạng chưa tốt với phổ điểm từ 32,04 tới 48,82.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá và Sở Y tế, Sở Ngoại vụ, Sở Tài nguyên Môi trường có mức xếp hạng chưa tốt với phổ điểm rất thấp.

Ở khối các huyện, thị xã, thành phố, có 7 đơn vị xếp ở nhóm tốt gồm UBND các huyện: Thọ Xuân, Nông Cống, Nga Sơn, Như Thanh, Mường Lát, Đông Sơn, Quan Sơn. Trong đó, UBND huyện Thọ Xuân đứng đầu bảng xếp hạng với 87,55 điểm và có 17 đơn vị xếp thứ hạng khá và 3 đơn vị xếp ở thứ hạng chưa tốt.

Ở khối các huyện, thị xã, thành phố, có 7 đơn vị xếp ở nhóm tốt
Ở khối các huyện, thị xã, thành phố, có 7 đơn vị xếp ở nhóm tốt.

DDCI lần đầu tiên được triển khai xây dựng tại Việt Nam vào năm 2013, DDCI hướng tới mục tiêu chính là nâng cao chất lượng quản lý và điều hành kinh tế tại cấp tỉnh và huyện. DDCI do vậy là chiếc gương phản chiếu chính xác cảm nhận của các cơ sở kinh tế, và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân về các mặt và công tác quản lý, điều hành kinh tế của các cấp chính quyền địa phương. DDCI cũng là một nhiệt kế đo lường sự hài lòng về môi trường kinh doanh và cảm nhận về triển vọng kinh doanh trong bối cảnh môi trường kinh doanh cấp huyện và tỉnh.

Cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của tỉnh Thanh Hoá. Đây là năm đầu tiên tỉnh thực hiện đánh giá DDCI, nên có thể coi là giải pháp quyết liệt của tỉnh hướng tới nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Từ đó tạo môi trường thuận lợi đối với hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn, tăng niềm tin vào hệ thống chính quyền, tăng động lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá yêu cầu 22 sở, ban, ngành và 27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phải đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm cải thiện hơn nữa chỉ số DDCI.

Đồng thời, kết quả chỉ số DDCI phải là sản phẩm có ý nghĩa và có tác dụng mạnh mẽ để các đơn vị cầu thị, quyết tâm, thực hiện, đánh giá, phát huy các kết quả đã làm tốt. Có giải pháp để khắc phục những hạn chế, điểm nghẽn, sự chưa hài lòng của doanh nghiệp đối với chính quyền, qua đó xây dựng kế hoạch cụ thể để nhằm cải thiện, hướng đến nâng cao chỉ số PCI toàn tỉnh.

Lê Nam